(HNM) - Dự án vệ sinh môi trường TP (DAVSMT) lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè có vai trò quan trọng bảo đảm nhu cầu thoát nước nhằm giải quyết tình trạng ngập úng cho 7 quận và 1,2 triệu dân TP, xử lý nước thải, chống ô nhiễm dòng kênh, cải thiện môi trường sống và thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị.
Giai đoạn 1 với các hạng mục cơ bản đã hoàn thành, nhưng giai đoạn 2, xây dựng nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT), lại đang là nỗi lo vì nguồn vốn khó khăn…
Tuyến cống D3000 vượt sông Sài Gòn nối quận 2 của dự án đã hoàn thành.
Theo cơ quan chức năng, ở giai đoạn 1 của DAVSMT lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, nhiều hạng mục cơ bản đã hoàn thiện. Đơn cử việc xây dựng trạm bơm chuyển tiếp có thiết bị lược rác với công suất 64.000m3/giờ, diện tích khoảng 8.000m2 đã hoàn thành bằng việc thông tuyến cống D3000 vượt sông Sài Gòn. Toàn bộ trạm bơm với vốn đầu tư 18 triệu USD sẽ bắt đầu hoạt động trong tháng 7 này để giảm ngập úng và ô nhiễm cho khoảng 1,2 triệu dân TP.
Sang giai đoạn 2, rất quan trọng là việc phải xây dựng NMXLNT (có quy mô khoảng 40,67ha, công suất 480.000m³/ngày đêm) để xử lý triệt để nước thải từ 8 quận (quận 1, 3, 10, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp và quận 2) trước khi đổ ra sông Sài Gòn. Dự kiến dự án này tổng kinh phí khoảng 470 triệu USD và theo kế hoạch sẽ xây dựng từ năm 2014 đến năm 2019. Hiện dự án NMXLNT đang trong giai đoạn hoàn thiện nghiên cứu khả thi.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (SCFC - chủ đầu tư) cho biết: "Giai đoạn 2 khó khăn lớn nhất là tìm kinh phí đầu tư cho dự án xây dựng NMXLNT. Hiện UBND TP giao cho SCFC tiến hành đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để tiếp tục xin tài trợ ODA cho giai đoạn 2. Nếu thuận lợi thì năm 2014 mới có thể khởi công xây dựng được!".
Ông Dũng cũng cho hay, trong tổng số 470 triệu USD thì hiện chỉ có WB đồng ý sẽ hỗ trợ cho vay khoảng 200 triệu USD nhưng nguyên tắc phải hoàn thành nghiên cứu khả thi, sau đó trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chính phủ để thống nhất phương án vay. Ngoài ra, TP sẽ phải bỏ ra 20 triệu USD vốn đối ứng.
Theo cơ quan chức năng TP, 250 triệu USD còn lại hiện chưa tìm nguồn. Trước tình hình này, nhiều chuyên gia tư vấn hướng đến hình thức đầu tư như PPP (hợp tác công tư), BT (xây dựng - chuyển giao) để thu hút nguồn vốn. Tuy nhiên hình thức PPP ở nước ta đang còn mới, các quy định liên quan đến hình thức này chưa có đủ khung pháp lý nên các cơ quan chức năng lẫn WB sẽ họp bàn để tiếp cận và xây dựng khung pháp lý.
Trước vấn đề này, GS, TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường TP, cho rằng: "Việc xây dựng NMXLNT NL-TN (giai đoạn 2) là rất quan trọng và cấp bách. Đặc biệt, sau khi dự án VSMT giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành nhưng không hoàn thiện nhanh giai đoạn 2 thì toàn bộ lượng nước thải được thu gom và xả tập trung ra sông Sài Gòn vẫn chưa được xử lý triệt để".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.