Sát mỗi dịp Tết, nhà trường đều có thông báo yêu cầu, nghiêm cấm HS mua bán, tàng trữ các loại pháo, đèn trời. Thế nhưng, trò đốt pháo, thả đèn trời vẫn luôn hấp dẫn nên nhiều em lén tìm mua bất chấp những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Theo các em, nghịch pháo nguy hiểm như thế nào?
Em Dương Thị Lan Anh (HS lớp 5A, Trường Tiểu học Trung Mầu):
- Chúng em được nghe thầy cô phổ biến, tuyên truyền quy định pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đèn trời... Bên cạnh đó, chúng em cùng ký cam kết không mua bán, chơi pháo nổ, đèn trời trong dịp Tết. Em cũng biết các loại đồ chơi trên gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, có bạn bị hỏng mắt, bỏng tay vì chơi pháo; đèn trời thả lung tung có thể rơi vào đường điện gây nổ. Là học sinh nữ, không thích chơi các trò này nhưng em vẫn thấy nhiều bạn nam tìm mua bởi các loại đồ chơi này được bán ngay ở các cửa hàng gần trường.
Em Nguyễn Thanh Bình (HS lớp 6D, Trường THCS Tô Hoàng):
- Em cũng được nhà trường thông báo về việc nghiêm cấm HS tàng trữ, mua bán và sử dụng pháo nổ trong dịp Tết. Thay vì chơi pháo nổ nguy hiểm, dễ gây tai nạn cháy nổ, em thấy ở các cửa hàng cũng bày bán nhiều loại đồ chơi khác như nến phát sáng, cây phụt pháo hoa bắn ra những hạt lấp lánh rất đẹp. Em thấy những loại đồ chơi này không gây nguy hiểm như pháo mà vẫn đem lại không khí ngày Tết. Các bạn nên tìm mua những loại đồ chơi như thế thay vì mua các loại pháo nổ đã bị cấm.
Cô Trần Thu Linh (phụ huynh HS, 103 Nguyễn Sơn, HN):
- Những năm gầy đây, nhà trường đã phối hợp rất tốt với chính quyền trong việc tuyên truyền tới các em HS về tác hại của pháo nổ. Các em tuy ý thức được tác hại của trò chơi này nhưng vẫn ham mê và tìm mua. Pháo nổ hiện nay được thiết kế rất tinh vi, không còn là những cây pháo kích thước lớn như trước mà chỉ bé bằng bao diêm, bàn tay nên việc mua bán vẫn diễn ra.
Theo tôi, cùng với việc yêu cầu các em ký cam kết không chơi pháo nổ trong dịp nghỉ Tết, nhà trường cũng cần phối hợp với các phụ huynh, hướng dẫn họ tích cực tuyên truyền, vận động người thân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, chính quyền địa phương về pháo, quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Việc ký cam kết cũng nên không chỉ với riêng học sinh, mà là với cả gia đình để ràng buộc trách nhiệm trong việc giáo dục, răn đe con em họ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về việc phòng chống đốt pháo và thả đèn trời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.