(HNMO) – Làng sân khấu Việt Nam lại có chuyện khi vở kịch “Làm đĩ”, chuyển thể theo tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng được đổi thành “Làm…”. Vừa qua, tác giả Chu Thơm, người chuyển thể sang tác phẩm sân khấu đã trần tình về vấn đề này.
Tác giả Chu Thơm, người chuyển thể từ tác phẩm "Làm đĩ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang kịch bản sân khấu |
Vở kịch vừa mới “ra lò” lập tức đã tạo nên những song gió. Số là, ngay sau đêm tổng duyệt vở vẫn vẫn được giữ nguyên tên của tác phẩm văn học là “Làm đĩ” nhưng sau đó tác giả Chu Thơm và nghệ sĩ Hồng Vân (đoàn kịch Phú Nhuận) đổi lại thành “Làm…”. Ngay sau đó, giới nghệ sĩ sân khấu có cớ để phân tích tên gọi mới này. Tác giả Lê Chí Trung, người từng chuyển thể nhiều tác phẩm của nhà văn Vũ Trong Phụng sang kịch bản sân khấu, thì coi việc đặt tên vở là “Làm…”: “… là một sự lố bịch, xúc phạm đến tác giả và tác phẩm. Gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng bày tỏ sự bất ngờ về việc kịch bị đổi tên mà gia đình không hay.
Trả lời về vấn đề này, tác giả Chu Thơm, người chuyển thể tác phẩm “Làm đĩ” sang kịch bản sân khấu cho biết: “Dự cảm thấy sức nóng của dư luận xã hội về đường dây Hoa hậu, người mẫu bán dâm sẽ ảnh hưởng tới vở diễn nên ngày mồng 5/6/2012, tôi đã bay vào thành phố Hồ Chí Minh dự buổi biểu diễn báo cáo Hội đồng Phúc khảo thành phố tối mồng 6/6/2012. Cho đến khi kết thúc, vở diễn vẫn có tên là “Làm đĩ” .
Sau đó một số thành viên Hội đồng Phúc khảo gợi ý rằng: Trong bối cảnh công an thành phố Hồ Chí Minh vừa phanh phui đường dây hoa hậu và người mẫu bán dâm ngày mồng 2/6/2012 mà giờ vẫn giữ tên vở là “Làm đĩ” thì quá nhậy cảm. Tôi xin nhắc lại: các anh ấy chỉ gợi ý chứ không hề bắt ép chúng tôi đổi tên. Tôi và Hồng Vân đã ngồi lại với nhau bàn bạc về việc này. Rồi cả đêm đó, sau khi trao đổi trên điện thoại, chúng tôi đã quyết định tạm thời lấy tên vở là “Làm…”
Trước thông tin cho rằng, gia đình nhà văn Vũ Trụng Phụng bức xúc vì cảm thấy không được tôn trọng khi êkip dàn dựng đột ngột đổi tên tác phẩm mà không báo trước, ông Chu Thơm “trần tình”: “Tôi khẳng định là do thông tin một chiều không chính xác và một phần cũng là do lỗi của chúng tôi đã sai khi quá ấn tượng với tên của tiểu thuyết nổi tiếng ra đời hơn 70 năm nay và chấp nhận yêu cầu của gia đình nhà văn ngày 12/5/2011: “Vì tôn trọng văn nghiệp cũng như giữ đúng bản quyền tác phẩm văn học, đề nghị bên sử dụng tác phẩm của Nhà văn Vũ Trọng Phụng phải giữ đúng tên tác phẩm là “Làm đĩ”.
Tác giả Chu Thơm và ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể của nhà văn Vũ Trọng Phụng |
Ông Chu Thơm thừa nhận, sai sót lớn nhất trong việc này là đã không nói rõ để gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng hiểu rằng, việc dùng một tên khác cho tác phẩm chuyển thể, về mặt pháp lý là không hề vi phạm bản quyền, bởi vì, tác phẩm chuyển thể, bản thân nó khi được thể hiện dưới một hình thái nghệ thuật mới đã mặc nhiên được thừa nhận là một tác phẩm độc lập, có thể hàm chứa một chủ đề mới, một phương thức thể hiện mới… và do đó nếu nó được chọn một cái tên khác với tên nguyên tác là chuyện không có gì là khó hiểu, miễn nội dung chuyển thể không phản bội nguyên tác là được.
“Để giải toả những bức xúc của gia đình nhà văn, chiều 18/6/2012 tôi đã tới thăm ông Nghiêm Xuân Sơn- Con rể, người đại diện hợp pháp duy nhất tác quyền của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tôi đã nói về việc vở diễn ra đời đúng vào thời điểm nhạy cảm… ông Sơn đã hiểu ngay ra vấn đề và thông cảm với cái tên “Làm…” của chúng tôi, thậm chí khi tôi ngỏ ý nhờ ông đặt một cái tên cho vở diễn, ông đã mỉm cười nói rằng, hãy cứ để cái tên “Làm…” ấn tượng đó”, ông Chu Thơm cho biết.
Việc đổi tên một tác phẩm nghệ thuật khi chuyển thể từ một tác phẩm văn học là chuyện khá bình thường trong giới nghệ thuật. Bởi điều này vẫn thường xuyên xảy ra trong nghệ thuật điện ảnh và sân khấu. Vấn đề ở đây có lẽ là sự giao kèo không rõ ràng ngay từ đầu giữa tác giả chuyển thể với với gia đình nhà văn.
Rút kinh nghiệm về việc này, ông Chu Thơm cho biết, sắp tới ông và NSND Hồng Vân sẽ tiếp tục đưa tiểu thuyết “Giông tố” của nhà văn Vũ Trọng Phụng lên sân khấu kịch Phú Nhuận nhưng lần này ông sẽ xin phép gia đình nhà văn có thể không giữ tên tiểu thuyết mà lấy một tên khác, chẳng hạn như “Kẻ báo thù vĩ đại” hoặc “Nghị Hách”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.