Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tác dụng của vải kháng khuẩn

Trần Nhân| 15/09/2020 07:24

(HNM) - Vải kháng khuẩn đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để bảo đảm vệ sinh và phòng, chống dịch bệnh. Vậy vải kháng khuẩn được sản xuất như thế nào? Khả năng diệt khuẩn của các loại vải này ra sao?

Trong quá trình sinh hoạt và lao động, cơ thể con người luôn bài tiết ra một lượng mồ hôi khá lớn, kết hợp với bụi bẩn và tế bào da bị lão hóa tạo thành một lớp “ghét” dày bám trên bề mặt da. Các vi sinh vật phân hủy lớp “ghét” này thành các chất amoniac và các axit béo đơn giản hơn tạo ra mùi hôi khó chịu. Vì thế, nếu dùng loại quần áo diệt khuẩn, khử hôi thường xuyên thì da chúng ta sẽ giữ được sạch sẽ và không có mùi hôi khó chịu.

Hiện, trong sản xuất và thương mại dệt may, vải kháng khuẩn được sử dụng rộng rãi để sản xuất hàng mặc lót, hàng thể thao, hàng gia dụng và quần áo bảo vệ ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, khách sạn, trường học...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông, nguyên Viện trưởng Viện Dệt may, phương pháp chung nhất để có được sản phẩm dệt kháng khuẩn là đưa các chất kháng khuẩn vào trong vật liệu dệt. Các chất kháng khuẩn được đưa lên vải thường là những chất diệt khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn phát triển.

“Hiện nay, việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: Ngấm ép, tráng phủ hoặc phun… Xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% vi khuẩn sau 1 giờ tiếp xúc và giảm còn 60-70% sau một số lần giặt (sau 10 hoặc 20 lần giặt tùy theo loại chất kháng khuẩn sử dụng). Một điều quan trọng khác là chất kháng khuẩn khử hôi không được gây phản ứng (dị ứng) cho người dùng. Cơ thể không bị nhiễm độc nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác dụng của vải kháng khuẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.