Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tả ý và tả thực

Người Lái Đò| 13/06/2010 04:01

(HNM) - Chỉ còn hơn 100 ngày nữa là tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật như điện ảnh, múa cổ, các vở diễn sân khấu, dựng tượng... đã và đang được dàn dựng để chào mừng sự kiện trọng đại này. Tuy nhiên nhiều người đặt vấn đề về tính chân thực lịch sử của các chương trình này. Đó là những trăn trở đáng trân trọng, tuy nhiên...

Tượng vua Lý Thái Tổ được khánh thành vào ngày 8-10-2004, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và đây cũng là công trình nghệ thuật đầu tiên đón chào 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Để có được bức tượng đồng uy nghi đứng bên Hồ Gươm hôm nay là cả sự nghiêm túc của Hội đồng nghệ thuật dựng tượng vua Lý trong nghiên cứu lịch sử và xây dựng hình tượng nghệ thuật. Trước khi chọn mẫu phác thảo cuối cùng, Hà Nội cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo với sự có mặt của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nhà nghiên cứu trang phục cổ, nhà điêu khắc... có uy tín trong nước để mong tìm ra tiếng nói chung trong khi lịch sử chỉ có mấy dòng ngắn ngủi về Lý Công Uẩn "là người khoan thứ, nhân từ" và sẽ là "bậc minh chủ trong thiên hạ". Sử sách cũng không hề có dòng nào viết về trang phục vua quan thời Lý. Khi Hội Nghệ sỹ múa Hà Nội sưu tầm và phục dựng lại các điệu múa cổ trên đất Thăng Long, có ý kiến phàn nàn phải phục dựng như nguyên mẫu nếu không sẽ là… giả cổ. Với các bộ phim có đề tài lịch sử, nhiều bài báo "phê phán" việc thuê trường quay ở nước ngoài là thiếu tôn trọng tính chân thật của lịch sử.

Ai cũng biết, do giặc giã, do thời gian, do thời tiết ở Việt Nam mưa nắng khắc nghiệt… đã dẫn đến những ghi chép về lịch sử không còn nhiều và càng xa ngày nay lại càng ít tài liệu. Ai chẳng muốn khuôn mặt tượng vua Lý giống như khuôn mặt ngài ngoài đời, trang phục đúng là trang phục dành cho vua thời đó. Nhưng không có tài liệu thì căn cứ vào đâu mà vội bảo phải tôn trọng tính chân thật của lịch sử? Ai biết kinh đô Hoa Lư thời Lý ra sao, thành Thăng Long thế nào?...

Nhiều quốc gia, khi dựng tượng các nhân vật lịch sử mà quãng thời gian ấy không có nhiều tư liệu hay nói cách khác là bị mờ về lịch sử người ta thường sử dụng phương pháp giả định. Hà Nội cũng làm thế khi dựng tượng Lý Công Uẩn. Mặt khác, nghệ thuật dân gian Việt Nam từ nhiều đời nay sử dụng phương pháp tả ý mà không sử dụng phương pháp tả thực như các nước phương Tây. Phương pháp tả ý cho phép điện ảnh, sân khấu không cần mọi thứ trong tác phẩm phải giống như thật mà chỉ cần tác phẩm toát lên thần thái, tinh thần của nhân vật hoặc sự kiện là ổn.

Thực tế cho thấy tượng vua Lê (ở 16 Lê Thái Tổ), vở chèo Ngọc Hân Công chúa, kịch nói Nguyễn Trãi ở Đông Quan… rất thành công khi sử dụng phương pháp này. Nếu nhìn tác phẩm nghệ thuật ở góc này khi thiếu tài liệu sẽ thấy cố gắng của các nghệ sỹ cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là đáng trân trọng. Còn hay dở lại là chuyện khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tả ý và tả thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.