Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ta nghèo, nhưng thích chơi sang!

Nguyễn Lê Bách| 28/12/2011 07:25

(HNM) - Chi bộ 18 thuộc Đảng bộ phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) của chúng tôi có 65 đảng viên và tất cả đều đã nghỉ hưu. Khi sơ kết 3 năm cuộc vận động

Thành phần của một chi bộ cơ sở như chúng tôi cũng rất đa dạng: cán bộ trung cao cấp có, xã viên hợp tác xã có... và mức đóng đảng phí cũng rất khác nhau, có người đóng vài chục nghìn, cũng có người đóng ở mức tối thiểu theo quy định của Đảng. Kể như vậy để nói rằng, ý kiến trong buổi họp chi bộ cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, bàn bạc mãi, chúng tôi đi đến nhận thức chung: nói đến "đạo đức Hồ Chí Minh" là nói đến "cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư". Trong hoàn cảnh đã nghỉ hưu, điều mọi người có thể làm được là "kiệm-tiết kiệm" và chi bộ chúng tôi ra nghị quyết: suy nghĩ cho kỹ, cho cụ thể để tìm ra những thứ có thể tiết kiệm được, rồi từ đó mỗi người mới đăng ký chỉ tiêu của mình trong đợt vận động, không nói chung chung kiểu hô hào, kêu gọi.

Sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện là một trong những biện pháp ích nước, lợi nhà.


Không ai bảo ai, rất nhiều người đã ghi trong bản đăng ký của mình là "tiết kiệm điện": thay bóng đèn tròn bằng bóng đèn compact ở các cầu thang, dùng bóng đèn T8 thay cho loại T10. Những bóng đèn này, theo giới thiệu của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông sẽ tiết kiệm được tới 75% năng lượng, nghĩa là dùng bóng compact 15 watt sẽ có độ sáng tương đương 75 watt hoặc bóng T8 tiết kiệm tới 20%, lại có độ bền cao hơn nhiều lần. Những gia đình có phòng cho thuê trọ, sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền. Vừa lợi nhà, lại vừa ích nước, bởi thành phố đã kêu gọi ráo riết về việc tiết kiệm năng lượng. Nghị quyết của chi bộ nói rõ: các đảng viên sẽ vận động mọi người trong các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của cụm dân cư làm theo nghị quyết này. Kết quả thấy rõ là chỉ trong một tháng đầu tiên, hóa đơn tiền điện của các gia đình đã giảm được khá nhiều. Không chỉ thay bóng đèn bằng loại bóng tiết kiệm điện, Chi bộ 18 còn đăng ký cụ thể: tắt bớt đèn khi không cần thiết, ví dụ khi lên cầu thang thì bật đèn, nhưng lên rồi thì tắt ngay.

Có bản đăng ký lại nêu việc cai nghiện thuốc lá, vừa giữ gìn sức khỏe, vừa tiết kiệm tiền. Lại có người nêu  cụ thể: xem xong TV, tắt cả nguồn điện đầu vào chứ không để chế độ chờ (stand by), vì báo chí đã nói rõ chế độ chờ vẫn tốn tới 40% năng lượng so với lúc xem... Cứ thế, chúng tôi sưu tầm báo và đọc cho nhau nghe những kinh nghiệm hay.

Cũng phải nói thực rằng có những điều có thể tiết kiệm được nhưng chúng tôi chưa thể áp dụng. Xin nêu ra đây để ta cùng nhau tính toán: đó là chuyện "những cái phong bì". Chuyện rất nhỏ, vì mỗi cái phong bì mua ở bưu điện, giá chỉ có là 300 đồng. Nhưng cứ ngẫm mà xem: đất nước ta có tới 4,5 triệu cán bộ nhân viên, công chức. Mỗi năm chúng ta có ít nhất là 5 cuộc vận động (ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, rồi vận động vì người nghèo...). 4,5 triệu người nhân với 5 đợt, chúng ta đã sử dụng tới hơn 20 triệu cái phong bì và tính theo loại rẻ nhất là 300 đồng x 20 triệu thì cũng đã tốn tới 6 tỷ đồng tiền phong bì! Đó là chưa kể tới các đám ma chay, cưới xin, mừng tân gia, mừng thọ... Lại cũng chưa kể tới loại phong bì có in tiêu đề của cơ quan mỗi cái phải 500 hoặc 600 đồng, mà các bậc thủ trưởng thường được nhân viên hành chính chuẩn bị sẵn (vì không lẽ bắt thủ trưởng tự mua ở bưu điện!) Với số tiền tạm tính là 6 hoặc 7 tỷ đồng đó, chúng ta làm được bao nhiêu ngôi nhà tình nghĩa, góp được cho bao nhiêu em bé mổ tim hoặc vá môi? Nhưng liệu đã có vị thủ trưởng nào làm gương bỏ trực tiếp tiền vào thùng quyên góp để nhân viên làm theo, không dùng đến phong bì?

Tôi nhớ lại đã có lần được nghe cố ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ kể lại, hồi ở chiến khu, Bác Hồ của chúng ta đã dùng báo cũ để làm phong bì và dùng một miếng giấy đã dùng một mặt dán lên để viết địa chỉ cần gửi. Tại sao chúng ta không làm theo như Bác đã làm?

Lại có một chuyện nữa: mỗi năm, trên đất nước ta có bao nhiêu cuộc khánh thành, khai trương, động thổ... và mỗi lần như vậy lại có một tấm vải đỏ hoặc lụa đỏ dài 9 hoặc 10 mét, được các quan chức VIP đứng một hàng cầm kéo cắt ra từng đoạn. Truyền hình của ta đã từng đưa cảnh "cắt băng" khánh thành một cái cầu ở vùng biên giới. Tấm vải đỏ được cắt ra làm 6, 7 đoạn, rồi vỗ tay, rồi một đoàn ô tô diễu qua cầu.

Có những nước giàu có hơn ta, nhưng người ta không phí phạm như vậy. Ở Ấn Độ, người ta xâu một dây hoa nhài, dài khoảng 1,5 đến 2 mét và các quan chức "cắt băng" cái dây hoa đó thôi! Còn ở Ai Cập, cái "băng" để cắt khánh thành đó chỉ to bằng cái... quai nón và dù có cắt làm bao nhiêu đoạn đi nữa, cũng không lãng phí như ở ta. Ta còn nghèo nhưng lại cứ "chơi sang", liệu có cải tiến được những chuyện này không để thực sự được coi là tiết kiệm?

Nói những chuyện này, ngay ở chi bộ chúng tôi cũng có những ý kiến... bác bỏ: "chuyện nhỏ như con thỏ" mà cũng nói, phải có cái phong bì thì mới "lịch sự" chứ, cắt băng thì phải có tấm lụa đỏ thế mới "hoành tráng" chứ, còn phải quay phim, chụp ảnh kia mà...

Nhân viết để hưởng ứng cuộc vận động "Chống lãng phí, thực hành tiết kiệm", tôi cũng xin nêu cả những điều chưa làm được, chưa tiết kiệm được, bởi vướng về những quan niệm, nhận thức "bền chặt" bấy nay. Chắc chắn phải có một "cú hích", một hành động làm gương của các cấp thủ trưởng nào đó mới có thể làm thay đổi những suy nghĩ kể trên. Ước ao giá có một vị "sếp" tham gia một đợt quyên góp nào đó, nói rõ trước micro là "hôm nay, chúng ta không dùng phong bì" và "sếp" bỏ đồng 50 nghìn trực tiếp vào thùng, chắc chắn "lính tráng" sẽ noi gương ngay!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ta nghèo, nhưng thích chơi sang!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.