Ngày 31/5, Ủy ban điều tra của Chính phủ Syria về vụ thảm sát ở Houla cho biết, vụ thảm sát 108 người cuối tuần qua ở miền Trung nước này đã được tiến hành bởi các nhóm vũ trang nổi loạn chứ không phải lực lượng chính phủ.
Người dân Syria biểu tình phản đối vụ thảm sát đẫm máu ở Houla.
(Ảnh: Reuters)
Theo điều tra sơ bộ của nhà chức trách Syria, khoảng 800 phần tử trang bị vũ khí hạng nặng đã tiến hành các cuộc tấn công lực lượng chính phủ và tàn sát các gia đình ở Houla, với mục tiêu nhằm lôi kéo nước ngoài can thiệp quân sự vào Syria.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31/5, Tướng Qassem Jamal Sulaiman, Chủ tịch Ủy ban điều tra của Chính phủ Syria cho biết, các phần tử vũ trang này đã tấn công vào nhiều địa điểm đóng quân của lực lượng chính phủ trong một nỗ lực nhằm giành quyền kiểm soát thị trấn Houla. Cụ thể, nguồn tin trên cho biết, nhóm vũ trang trên đã tấn công vào 2 căn cứ quân sự của chính phủ tại Houla. Quân đội chính phủ cũng đã nổ súng đáp trả tự vệ và giữ vững quyền kiểm soát các căn cứ quân sự cũng như không cho phép các phần tử vũ trang tràn vào Houla.
Theo ông Sulaiman, trong cuộc tấn công ngày 25/5, các phần tử vũ trang chủ yếu nhằm mục tiêu vào các gia đình có thân nhân từ chối tham gia các hoạt động chống chính phủ, trong đó có một số nạn nhân là họ hàng của một nghị sĩ Quốc hội Syria. Theo lập luận của ông Sulaiman, một mục tiêu khác của vụ tấn công trên là các phần tử vũ trang muốn đánh lạc hướng dư luận và lôi kéo được sự ủng hộ cũng như cảm thông từ phía cộng đồng quốc tế dành cho phe đối lập tại Syria.
Ông Sulaiman cho biết, kết quả điều tra này là hoàn toàn đáng tin cậy bởi nó dựa trên lời khai của những nhân chứng trực tiếp tại Houla.
Bên cạnh đó, ông Sulaiman còn nhấn mạnh thêm, những thi thể sau vụ thảm sát ở Houla được trình chiếu trên truyền hình ngay sau đó chính là những phần tử trong nhóm vũ trang bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với chính phủ. Thi thể của những phần tử này đã được công khai trên truyền hình dưới danh nghĩa các nạn nhân vô tội, hòng lôi kéo được sự “cảm thông và chia sẻ” từ phía cộng đồng thế giới.
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi, ngày 31/5 cho biết, chính quyền Damascus đã yêu cầu Liên hợp quốc cử một phái đoàn tới thị sát Houla-nơi xảy ra cuộc tàn sát đẫm máu hôm 25/5 khiến hơn 100 người thiệt mạng. Ngoài ra, ông Makdissi còn khẳng định, các bản báo cáo cuối cùng về vụ thảm sát này sẽ được công khai trước cộng đồng quốc tế ngay sau khi hoàn tất.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Syria, kết quả được công bố ngày 31/5 chỉ mang tính chất sơ bộ ban đầu và công tác điều tra để thu thập thêm chi tiết và manh mối về vụ thảm sát ở Houla hiện vẫn đang được tiếp tục. Ông Makdissi khẳng định, công tác điều tra vụ việc trên được thực hiện một cách minh bạch và không cần tới một cuộc điều tra ở quy mô quốc tế. Ngoài ra, phát ngôn viên trên cũng cáo buộc, một số nước bên ngoài đã nhúng tay vào vụ việc và đang theo đuổi các mưu đồ nhằm kích động mâu thuẫn phe phái tại Syria.
Trong 14 tháng xung đột vừa qua do làn sóng biểu tình chống chính phủ ở Syria, vụ thảm sát hôm 25/5 vừa rồi tại làng Houla có lẽ là tồi tệ nhất khi có tới gần 50 trẻ em dưới 10 tuổi và 32 phụ nữ trong số 108 người thiệt mạng. Hiện cả phe chính phủ Syria và lực lượng đối lập đều đang đổ lỗi cho nhau về vụ thảm sát đẫm máu trên. Phía chính quyền Damascus khẳng định không liên quan tới vụ việc và cho rằng, các nhóm vũ trang đã rắp tâm dàn xếp vụ việc này để hủy hoại hình ảnh của lực lượng chính phủ trước khi Đặc phái viên chung giữa Liên hợp quốc và Liên đoàn Ả rập Kofi Annan tới Syria. Trong khi đó, phe nổi dậy lại bác bỏ cáo buộc trên và cho rằng, các lực lượng chính phủ đã nã pháo vào làng Houla để đàn áp dân thường vô tội. Cho đến nay, cuộc tranh cãi giữa chính phủ và phe nổi dậy tại Syria về vụ thảm sát ở Houla vẫn chưa ngã ngũ và kết quả điều tra cuối cùng, xác thực về vụ việc này vẫn chưa được công bố.
Tuy nhiên, cho dù bất kỳ ai là thủ phạm gây nên vụ việc đẫm máu tại Houla hôm 25/5 vừa qua cũng đều đáng bị cộng đồng quốc tế lên án. Sự việc trên cũng được xem là đã hướng tình hình Syria bước sang một ngã rẽ khác, chông gai hơn khi nó trở thành yếu tố làm nghiêm trọng thêm quan hệ mâu thuẫn giữa các phe phái tại Syria và là cái cớ để nhiều nước phương Tây đề cập mạnh mẽ tới phương án can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này. Thậm chí, nhiều nước còn nêu dẫn chứng sự vụ thảm sát trên nhằm gây sức ép, buộc Nga và Trung Quốc thay đổi thái độ “trung lập” của mình về tình hình Syria tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng taị Syria sẽ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới và để giải quyết vấn đề này, sẽ cần đến cả những nỗ lực mạnh mẽ hơn, phù hợp hơn từ tất cả các phe phái tại Syria và từ phía cộng đồng quốc tế./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.