au đầu, chóng mặt, giảm cân, chán ăn, luôn mỏi mệt, không muốn làm việc… là dấu hiệu đầu tiên của hội chứng suy nhược khi khả năng hồi phục của cơ thể bị quá tải, nguồn lực không được quản lý một cách thích hợp - một hội chứng rất điển hình của cuộc sống hiện đại.
Ngủ đủ và ngon giấc giúp cải thiện suy nhược cơ thể. |
Trong tất cả các loại bệnh mạn tính thì suy nhược là một bệnh bí ẩn và khó hiểu nhất vì không có nguyên nhân rõ ràng, không có thước đo cụ thể và rất ít lựa chọn điều trị hiệu quả. Nó có thể đến với bất cứ người nào, kể cả người khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực. Tất cả mọi người trong chúng ta đều đã từng mệt mỏi do cơ thể bị suy nhược, tuy nhiên, tình trạng đó có thể kéo dài nhiều tháng đến vài năm và xuất hiện thường xuyên không có dấu hiệu báo trước. Khi cơ thể mệt mỏi, triệu chứng đầu tiên là mất khả năng tập trung công việc, suy giảm trí nhớ rõ rệt, đau cổ họng, các hạch bạch huyết ở cổ, nách hơi to và đau; đau cơ không rõ nguyên nhân; rối loạn giấc ngủ; nhức đầu; cơ thể suy kiệt mau chóng, không thể làm những việc nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày.
Suy nhược cơ thể được chia thành 2 nhóm:
Thứ nhất là suy nhược thực thể (chiếm 45% trường hợp, có thể xảy ra sau những bệnh lý nhiễm khuẩn như cúm, viêm phế quản, viêm gan hay nhiễm khuẩn đường ruột, sau phẫu thuật) và suy nhược chức năng (chiếm 55%).
Thứ 2 là sau một tình trạng stress nặng hoặc không có nguyên nhân cụ thể.
Biểu hiện khi bị suy nhược
Khi bị suy nhược, người bệnh thường thấy có những triệu chứng gần giống bị nhiễm virut như: mất khả năng tập trung công việc, suy giảm trí nhớ, đau cổ họng, đau nhức khớp nhưng không có dấu hiệu viêm, các hạch ở cổ và nách to và đau, đau cơ, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu nặng, sợ ánh sáng, kiệt sức, mất ngủ... Nhưng ở nhiễm virut, các triệu chứng sẽ giảm dần trong vài ngày hay 1-2 tuần, trong khi ở hội chứng suy nhược, các triệu chứng trên sẽ kéo dài vài tháng đến vài năm. Bệnh nhân bị suy nhược cơ thể thường mất nghị lực, mất cảm giác thích thú, thụ động, thiếu sức sống, kèm theo là hiện tượng rối loạn tình dục như mất khoái cảm ở nữ và xuất tinh sớm, bất lực ở nam. Triệu chứng thường nặng trong vòng 1-2 tháng đầu tiên, sau đó một số ít hết bệnh hoàn toàn trong khi một tỷ lệ nhỏ khác không thể phục hồi lại được. Đa số còn lại có cải thiện dần dần, song không thể đạt được thể trạng như lúc chưa mắc bệnh.
Ðiều trị thế nào?
Việc điều trị suy nhược cơ thể không khó. Tùy vào nguyên nhân mắc bệnh mà có phương pháp điều trị thích hợp. Đối với thể suy nhược thực thể thì khi các nguyên nhân được giải quyết dứt điểm, người bệnh sẽ hồi phục trở lại. Đối với thể suy nhược chức năng, người bệnh cần kiên trì và áp dụng nhiều phương pháp điều trị song song. Trước tiên, cần thay đổi lối sống nhằm tiết kiệm năng lượng cho những hoạt động cần thiết. Chế độ ăn điều độ, khoa học, chú trọng tới lượng calo và chất béo mà cơ thể thu nạp. Bên cạnh đó, bổ sung nhiều chất xơ, rau quả tươi và các vitamin nếu cần. Bạn cũng phải hạn chế cách ăn uống theo sở thích và ăn theo thời gian biểu. Hạn chế dùng bia, rượu, cà phê, thuốc lá. Rèn luyện thân thể, tập thể dục đều đặn mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh hơn. Mỗi ngày cần dành cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi thư giãn cần thiết. Ngủ đủ và ngon giấc vào ban đêm. Cố gắng ngủ trưa khoảng 30 phút. Học cách kiểm soát các triệu chứng suy nhược nhằm cải thiện chức năng các cơ quan cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Tránh hoặc giảm stress gắng sức và tâm lý.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể được bác sĩ điều trị cho dùng thêm các thuốc chống trầm cảm, lo âu, giảm đau… giúp người bệnh thoát khỏi các triệu chứng khó chịu và đau đớn mà hội chứng suy nhược cơ thể gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.