Theo dõi Báo Hànộimới trên

Suy ngẫm từ cái kết có lý, có tình

Hoàng Thu Vân| 07/04/2015 05:41

(HNM) - Như vậy là vụ việc phóng sự truyền hình

Xin nêu lại vài nét về nội dung vụ việc. Phóng sự này được phát trên kênh truyền hình VTC 14 tối 27-3-2015. Nội dung phóng sự đề cập chuyện các em học sinh hút shisha và tác hại của việc hút shisha, trong đó có hình ảnh một số học sinh của hai trường THPT trên địa bàn Hà Nội với đầy đủ đồng phục và phù hiệu nhà trường, trốn học đi hút shisha. Có thể nói, bằng lời bình và hình ảnh cụ thể, nhóm phóng viên thực hiện phóng sự đã tạo ra những tác động nhất định trong dư luận xã hội. Ấy là điều mà mọi tác phẩm báo chí ở bất kỳ loại hình cũng đều hướng tới. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiệu quả tác động ở đây không phải là tích cực mà theo hướng ngược lại - tiêu cực, khi phóng sự hoàn toàn là dàn dựng, khi mà nhân vật là những em học sinh chưa đủ 18 tuổi... Chính điều đó đã dẫn đến phản ứng gay gắt của công luận, nhà trường (nơi chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục học sinh), các bậc phụ huynh, các học sinh có hình ảnh xuất hiện trong phóng sự cùng các cơ quan chức năng.

Đúng là trọng lượng của một tác phẩm báo chí nằm ở tính phát hiện và sự hấp dẫn. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này đều phải nằm trong khuôn khổ của sự thật. Khách quan và chân thật là bản chất của báo chí cách mạng. Lênin đã tổng kết ngắn gọn về sự cần thiết của nguyên tắc này trong câu nói nổi tiếng: "Sự thật là sức mạnh của báo chí chúng ta". Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và là người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam - thì cho rằng, tính "chân thực" vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết, đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo cách mạng. Mỗi bài viết của nhà báo phải đúng sự thật, tức là phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Như vậy, về mặt "nghiệp vụ cơ bản", người làm báo không được dàn dựng, thêm thắt hay vo tròn, bóp méo sự thật vì bất kể mục đích gì. Do đó, nếu quả thực phóng sự "Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng shisha" được nhóm phóng viên thực hiện đúng như nội dung công văn đầu tiên của VTC 14 gửi Sở GD-ĐT Hà Nội cùng hai trường THPT Việt-Ðức và Trần Nhân Tông (có học sinh xuất hiện trong clip) thì chẳng có gì đáng nói. Công văn đó viết như sau: "Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên VTC 14 đã tuân thủ đầy đủ quy trình, tôn trọng sự thật và nhận được sự hợp tác của các học sinh trong phóng sự, nhờ đó đã có được những hình ảnh chân thực, đạt hiệu quả cảnh báo sâu sắc". Công văn này còn có đoạn: "Các em học sinh trong phóng sự còn quá trẻ, chưa ý thức được hậu quả từ những hành động bồng bột của mình. Chính vì thế, các em càng cần phải có sự uốn nắn, giúp đỡ, giáo dục từ gia đình, nhà trường... tạo cơ hội cho các em sửa sai, tránh sa vào các tệ nạn nghiêm trọng". Nhưng thực ra không phải như vậy.

Vẫn biết nhận ra cái sai, cái kém của mình là không đơn giản, nhất là khi điều đó còn liên quan đến thể diện, uy tín. Song, đã là sự thật thì không có điều gì có thể thay đổi được. Trước yêu cầu của công luận, nhà trường, các bậc phụ huynh và các cơ quan chức năng, sau khi kiểm tra chi tiết, rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất, tối 4-4, VTC 14 đã chính thức gửi lời xin lỗi tới những học sinh đã tham gia, trả lời phỏng vấn trong phóng sự truyền hình này. Khuyết điểm được chỉ ra là những lỗi về nghiệp vụ, từ ghi hình hiện trường, biên tập hình ảnh, hậu kỳ, cho đến duyệt phát sóng và lãnh đạo thẩm định. Điều đó dẫn đến những sai sót về nguyên tắc sử dụng thông tin và hình ảnh ghi hình, phát sóng đối với đối tượng là trẻ vị thành niên. Nhóm phóng viên tác nghiệp đã bị tạm đình chỉ để xem xét xử lý theo quy định. Cách thức xử lý đó cho thấy Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và ban lãnh đạo VTC 14 đã nhận ra khuyết điểm trong "sự cố truyền thông" đáng tiếc này dù rằng nếu chỉ dừng lại ở mức độ như vậy thì nhiều người vẫn cho rằng chưa thỏa đáng. Dù sao đi nữa thì tới thời điểm này, tức là chưa đầy hai tuần sau khi phóng sự được phát sóng, vụ việc đã được giải quyết có lý, có tình. Và cũng đến lúc không tiếp tục phát triển các vấn đề về dư luận để có thể tạm giới hạn vụ việc tại đây.

Vấn đề cần nói là tác động, ảnh hưởng của "sự cố truyền thông" đáng tiếc này đối với đời sống xã hội và hoạt động báo chí như thế nào!

Điều đầu tiên dễ thấy là trong thời gian qua, những sai sót nghiêm trọng như phóng sự "Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng shisha" của VTC 14 không phải là trường hợp hy hữu. Điểm qua vài "tác phẩm" báo hình từng khiến dư luận "nổi sóng" để thấy điều đó: 4 năm trước - năm 2011 - một người phụ nữ "hóa thân" làm "cô Lượm" đã thoải mái "nghĩ ra" kịch bản và dàn dựng cuộc đời tại trường quay S10 của VTV rồi tiếp đó trở thành "nhân vật chính" trong chương trình "Mối tình đầu bất hạnh của cô bé mồ côi" thuộc Chuyên mục "Người xây tổ ấm" phát sóng trên kênh VTV 1. Sự hóa thân của nhân vật này "xuất sắc" tới mức đã khiến hàng triệu người xem truyền hình không khỏi bùi ngùi, xúc động. Sau này, khi trả lời báo chí, Trần Thị Thùy Dương - người nhập vai "cô Lượm", trú tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: "Buổi giao lưu đó tôi đã khóc rất nhiều. Tôi khóc không phải vì hóa thân vào nhân vật hay xúc động gì cả mà chỉ bởi… tôi sợ". Thật là hài hước bởi có một người "diễn đạt" đến thế khi dễ dàng qua mặt hàng loạt nhà báo kỳ cựu để trở thành "nhân vật điển hình". Cũng không hiểu người giả làm cô Lượm giỏi hay những người trong nghề báo thẩm định nhân vật và sự việc quá dễ dãi?

Một vụ việc khác cũng bi hài không kém. Năm 2013, phóng sự truyền hình "Ai chắp cánh cho thần chết?" do Đài PT&TH Bình Định thực hiện (tác phẩm đoạt giải B của Hội Nhà báo địa phương) bị phát hiện là dàn dựng, sai sự thật. Cụ thể, nội dung phóng sự đề cập một số người bị tàn tật nhưng hằng ngày vẫn lái ô tô chở khách, chở hàng để mưu sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng hành khách và người tham gia giao thông. Song, sự thật là những người này bị phóng viên dàn dựng, nhờ "leo" lên xe, ngồi vào vị trí để quay phim nói về "thương binh tàn nhưng không phế", hoặc hứa hẹn tìm nguồn tài chính giúp đỡ sau khi phim phát sóng…

Mới đây nhất, đầu tháng 1-2015, Chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng trên VTV 3 đã gây xúc động mạnh cho khán giả. Nội dung chương trình là câu chuyện tình yêu vượt qua mọi rào cản, vượt lên số phận giữa cô gái khiếm thị hát rong quê Nghệ An và chàng trai trẻ tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia, quê ở Thanh Hóa. Điều mong ước của hai người trên sân khấu là đứa con sinh ra được đặt tên là Sao Mai để sau này được thi thố tài năng tại Sao Mai điểm hẹn. Tuy nhiên, đằng sau chuyện tình cảm động này lại là một sự thật hoàn toàn khác: Sau khi ghi hình, chàng đã bỏ mẹ con nàng bởi chàng đã có vợ con ở Thanh Hóa. Và thật lạ là không phải nhà đài không biết chuyện đó!

Đến đây, có lẽ chúng ta không khỏi giật mình khi những vấn đề cơ bản của báo chí là tiếp cận sự thật khách quan, tôn trọng tính trung thực và tính nhân văn, góp phần định hướng dư luận xã hội đã không được một bộ phận những người làm nghề coi trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, nhà báo phải là người chí công vô tư, hiểu biết rộng và có cái tâm trong sáng. Đạo đức báo chí trước hết thể hiện ở đó. Với những tác phẩm báo chí có "sự cố" nêu trên, tuy rằng những người làm nghề thực hiện không phải để "lưu danh thiên cổ" nhưng rõ ràng không thể nói không có "vấn đề" về khía cạnh đạo đức báo chí. Và đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những "sai lầm" về nghiệp vụ. Thậm chí, có những người tốt nghiệp bằng ưu, tốt nghiệp vài trường danh tiếng (nghĩa là không thiếu hiểu biết và kiến thức) nhưng mặt trái của kinh tế thị trường và quá trình hội nhập đã khiến động cơ làm báo bị sai lạc. Họ "câu khách", thu hút sự chú ý và cảm xúc của dư luận bằng thông tin giật gân, và để đánh đổi, họ chấp nhận cả sự giả dối, thậm chí sẵn sàng gài bẫy, ngụy tạo sự kiện…

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn người làm báo khi đặt bút phải đặt câu hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết làm gì? Và viết thế nào? Người thường xuyên nhấn mạnh mục đích viết báo là để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Luật Báo chí cùng hệ thống quy định của pháp luật cũng đã thể hiện rất rõ ràng chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ của người làm báo. Tuy nhiên, nhiều khi sự tôn trọng của xã hội đối với nghề báo cũng như thẩm quyền được xã hội cho phép đối với người làm báo đã khiến một số cá nhân có sự ngộ nhận về vị trí, vai trò cá nhân của mình, tự cho mình cái quyền "đứng trên pháp luật". Chỉ có tư duy huyễn hoặc như thế mới có thể dẫn tới những sai phạm về nghiệp vụ, thậm chí thiếu cả tính nhân văn vốn là một trong những đặc điểm cơ bản của báo chí cách mạng. Mọi cá nhân trong xã hội đều phải "thượng tôn pháp luật". Hãy thử nghĩ, nếu con em của chúng ta bị "gài bẫy" để tạo ra những tác phẩm báo chí thu hút sự quan tâm của xã hội thì khắc sẽ hiểu được tâm lý bức xúc của những người trong cuộc như thế nào.

Với những vụ việc nêu trên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của những phóng viên, nhà báo trực tiếp thực hiện mà còn cần xem lại cả những lỗ hổng trong công tác quản lý báo chí. Ấy là sự kiểm duyệt, thẩm định, đánh giá tác động đối với dư luận của từng tin, bài, chương trình, đối với dư luận xã hội. Khi có "sự cố truyền thông", phải quy được trách nhiệm cụ thể của từng vị trí công tác, từng cá nhân được giao công tác quản lý, tránh việc khi khen thưởng thì rõ vai trò cá nhân nhưng khi xảy ra sai sót, khuyết điểm thì trách nhiệm là của tập thể.

Với một số sự cố trong các tác phẩm báo chí vừa qua, bản thân người viết báo ngay một lúc có thể không nhận thức ra khuyết điểm của mình. Song những người được giao công tác lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí phải tỉnh táo, khách quan lắng nghe, tìm hiểu và phân tích để làm rõ đúng sai, như vậy mới có thể đưa ra cách thức giải quyết, xử lý thấu lý, đạt tình, nhận được sự ủng hộ của dư luận. Thực hiện điều đó là không đơn giản bởi với những vụ việc cụ thể gần đây là một số cơ quan báo chí tự cho mình "cái quyền" không bao giờ mắc lỗi. Gặp phải sự cố, họ sử dụng phương pháp "đánh bùn sang ao" nhằm bịt kín thông tin về sai sót, khuyết điểm của đơn vị mình đối với ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp… Họ "moi móc" lại những vấn đề, sự việc đã xảy ra qua những góc nhìn phiến diện, đầy cảm tính, nhằm làm lạc hướng dư luận, hoặc nhằm trả đũa!? Thế nên mới có chuyện báo này, đài kia gặp chuyện A và bị đấu tranh buộc phải thừa nhận cái sai của chính mình thì ngay sau đó, họ "trở cờ" mở chiến dịch phản kích, "đôi công" với "đối tượng" bằng chuyện B, chuyện C đã xảy trước đó, có khi là chuyện đã bị quên lãng từ lâu… Điều này lại là do cái tâm của người lãnh đạo cơ quan báo chí không trong sáng.

Đối với VTC, dù đã có những động tác khó chấp nhận trong quá trình xử lý vụ việc, khiến cơ quan chức năng phải tính đến phương án tố tụng, nhưng cuối cùng cũng đã nhận thức ra cái sai của mình. Nhận thức là một quá trình. Dư luận xã hội đón nhận sự nhận thức này là những diễn biến tích cực.

Những lỗi nghiệp vụ, những "sự cố" báo chí xảy ra trong công tác truyền thông là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là cái tâm và động cơ của những người trong nghề chính là yếu tố quyết định mức độ nặng hay nhẹ của sai sót, khuyết điểm. Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ viết". Lời dạy của Người đối với báo chí hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc. Chỉ có như vậy, báo chí mới đem đến cho công chúng niềm tin vào sự thật, vào sự nghiêm minh của pháp luật bởi trước hết người cầm bút đã thể hiện trách nhiệm công dân đối với xã hội bằng việc tuân thủ nghiêm những quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suy ngẫm từ cái kết có lý, có tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.