(HNM) - Bốn tháng qua, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp (SXCN) và xuất khẩu (XK) của cả nước đã cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa, đồng thời cũng hé lộ một số nguy cơ tiềm ẩn bất lợi không thể xem thường đối với doanh nghiệp (DN) trong thời gian tới...
Sản xuất công nghiệp trầm lắng
Chỉ số SXCN tháng 4 tăng 1,5% so với tháng 3, tính chung 4 tháng chỉ số này tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp, cho thấy sự suy giảm đáng lo ngại của hoạt động công nghiệp. Đặc biệt, công nghiệp chế biến gặp khó khăn nhất và chỉ số SXCN 4 tháng qua của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,1% của cùng kỳ.
Lắp ráp quạt tại Công ty Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Bảo Lâm
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải nhận định, nguyên nhân do hầu hết các ngành công nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế, với chi phí sản xuất cao nhưng tiêu thụ sản phẩm chậm. Một số ngành đang gặp khó do tồn đọng sản phẩm. Riêng sản lượng thép tháng 4 chỉ đạt 528.000 tấn, giảm 1,4% so với tháng 3. Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất thép phải tiết giảm sản xuất, chỉ chạy 50-60% công suất. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu, điện, xăng, dầu… đều tăng cao làm cho chi phí sản xuất tăng, buộc các DN thép phải giữ giá thép thành phẩm ở mức cao. Các chuyên gia nhận định, trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ có khoảng 30% DN thép đã kịp đầu tư mua sắm, sử dụng dây chuyền hiện đại, với mức tiêu thụ năng lượng thấp là có thể hy vọng vượt qua khó khăn, cố gắng tồn tại đến khi tình hình "sáng" trở lại. Ngành cơ khí, điện tử, điện máy cũng suy giảm nên mặc dù nhu cầu sử dụng tăng lên trong dịp hè, nhưng thực tế tiêu thụ nhiều loại sản phẩm vẫn giảm trung bình 10-20% so với tháng 3. Ngành giấy đang trong tình trạng sa sút và bị hàng ngoại nhập cạnh tranh gay gắt bằng giá cả và chất lượng. Điều đáng ngại là, những tồn tại của DN thép và giấy nói trên vốn đã xuất hiện từ thời gian trước, đã được cảnh báo, nhưng dường như chưa có sự biến chuyển, đối phó hữu hiệu từ phía DN nên tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi xuất hiện tình huống bất lợi...
Xuất khẩu không mấy suôn sẻ
Kim ngạch XK 4 tháng qua đạt 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ và thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình hình XK sẽ phức tạp, diễn biến khó lường theo hướng khó khăn hơn trong những tháng tới do nhu cầu tiêu dùng của hầu hết các thị trường truyền thống đều tiếp tục suy giảm cũng như trở nên khó tính hơn. Trong khi đó, các DN dệt may và da giày tiếp tục gặp khó khăn về nhân công, vốn và đơn hàng XK. Dù đang vào mùa cao điểm trong năm, song hầu hết các DN mới chỉ có đơn hàng sản xuất đến quý II, một số ít ký được đơn hàng đến quý III. Riêng mức nhập siêu 4 tháng đầu năm lại giảm xuống mức thấp, chỉ là 176 triệu USD, bằng 0,5% của kim ngạch XK. Điều này đã không làm cho dư luận phấn khởi, mà thay vào đó là sự e ngại, bởi nó báo hiệu sự trì trệ, thu hẹp sản xuất của nhiều ngành và DN vẫn sử dụng nguyên, vật liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu.
Một vấn đề đáng lo khác là kim ngạch XK của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hiện chiếm 18,3 tỷ USD/33,4 tỷ USD, tức là cao hơn hẳn so với mức đóng góp của DN trong nước. Trong tình hình khó khăn chung, nhưng các DN ĐTNN vẫn đạt mức tăng trưởng XK khá cao, tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái, thực tế này cho thấy sức phát triển của khu vực này còn rất cao, tiếp tục nổi lên chiếm vị thế dẫn dắt trong hoạt động XK của nền kinh tế nói chung.
Thời gian tới, Bộ Công thương tập trung chỉ đạo các ngành, DN giảm chi phí và tiết kiệm năng lượng, đồng thời yêu cầu ngành điện triển khai những biện pháp hữu hiệu, khai thác tốt thiết bị để bảo đảm nguồn cung điện trong mùa hè; duy trì sự ổn định như thời gian qua. Nhằm hỗ trợ DN giảm thiểu chi phí, hạ giá thành sản phẩm, Bộ chủ trương chưa đề cập đến vấn đề tăng giá điện trong thời gian tới, đồng thời theo dõi chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, quản lý để có những quyết định đúng với khả năng tăng hoặc giảm giá xăng, dầu một cách hợp lý trên cơ sở bảo đảm quyền lợi các bên liên quan. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa cũng được đẩy mạnh, sát sao để kiềm chế, triệt tiêu nạn hàng giả, hàng lậu, góp phần tạo điều kiện cho DN nội có thêm cơ hội tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với các loại hàng tiêu dùng thiết yếu, mở rộng thị trường xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.