Với tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, trong các ngày từ 24 đến 29/10, đoàn cán bộ Cty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO) đã về Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thăm hỏi, động viên… đồng thời ủng hộ người dân vùng lũ 30 tấn gạo.
Hai đợt mưa lũ lịch sử xảy ra đầu tháng 10 gây thiệt hại lớn về người và của cho đồng bào miền Trung. Với tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, trong các ngày từ 24 đến 29/10, đoàn cán bộ Cty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO) đã về Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thăm hỏi, động viên… đồng thời ủng hộ người dân vùng lũ 30 tấn gạo.
Miền Trung sau lũ!
Cùng đoàn cán bộ Sudico về miền Trung ngay sau khi cơn lũ lịch sử xảy ra, sau gần 8 tiếng đồng hồ di chuyển bằng ôtô, đoàn chúng tôi đến huyện Nghi Lộc vào lúc 22h. Sự yên tĩnh trong đêm như bừng tỉnh. Mục sở thị qua ánh sáng của đèn pha ô tô những con đường nham nhở vì lũ cuốn, những cánh đồng ngập nước trắng xóa, chúng tôi không khỏi xót xa với những thiệt thòi, mất mát của người dân nơi đây.
Nét buồn, sự lo lắng về cái ăn cái mặc trong thời gian tới hằn rõ trên gương mặt người dân Nghi Lộc mà chúng tôi gặp trên đường đi. Đoàn đến thăm ủng hộ gạo người dân xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc giữa lúc chính quyền và nhân dân địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt.
Một lần nữa chứng kiến cảnh vật tan hoang, tiêu điều, nhìn nhà cửa, lán trại nuôi tôm xiêu vẹo… những ánh mắt bà con đau đáu nhìn hồ tôm đầy nước, lòng tôi như thắt lại. Ông Hoàng Văn Cương – Phó Chủ tịch MTTQ huyện Nghi Lộc cho biết, huyện bị thiệt hại nặng nề nhất trong 2 đợt mua lũ vừa qua. 30 xã ngập nặng, làm 5 người chết, 2 người bị thương, 7 nhà bị sụp đổ hoàn toàn. Xã Nghi Xá bị nhấn chìm trong biển nước, lương thực, thực phẩm bị thiệt hại hầu như không còn gì. Ước tính thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.
Đáng thương nhất là các gia đình có người thân bị thiệt mạng trong cơn lũ dữ. Đã nhiều ngày nay, gia đình anh Hoàng Văn Châu ở xóm 1 rất đau buồn vì cậu con trai Hoàng Văn Đức 16 tuổi bị nước lũ cuốn trôi. “Đức rất ham học và ngoan ngoãn. Hôm đó, trời mưa như trút nước, mặc dù cả nhà ngăn cản không cho cháu đến trường, nhưng cháu vẫn cương quyết đi vì sợ mất buổi kiểm tra. Khi hay tin nước lũ đổ về, cả nhà đổ đi tìm con thì đã muộn, nước lũ đã cuốn trôi mất tích, phải mấy ngày sau gia đình mới tìm được xác cháu”- Anh Châu nghẹn lời kể.
Còn với chị Nguyễn Thị Xuân, vợ của anh Hoàng Văn Minh thì nỗi đau mất chồng do bị nước lũ cuốn đã làm chị suy sụp hẳn. Trong giọng kể đứt quãng của mình, chị Xuân nghẹn ngào: Anh ấy bỏ mẹ con em ra đi không nói được lời nào.... rồi lại ngẹn ngào trong nước mắt. Anh Minh bị nước lũ cuốn trôi khi đang sơ tán đồ đạc trong nhà. Khi được biết đoàn cán bộ Sudico từ Hà Nội vào thăm ủng hộ gia đình gạo, động viên, chia sẻ những mất mát của gia đình, chị Xuân cảm động nói: “Cảm ơn các anh, các chị đã không quản đường sá xa xôi về thăm người dân vùng lũ chúng tôi”.
Rời Nghi Lộc, Nghệ An đoàn chúng tôi lên đường về huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Quang cảnh nơi rốn lũ thật xơ xác: nhà cửa, đường sá, công trình thủy lợi, hoa mầu… bị mưa lũ tàn phá rất nặng nề. Chưa bao giờ người dân nơi đây lại trải qua đau thương, mất mát vì thiên tai như những ngày này.
Đoàn đến thăm, ủng hộ người dân vùng rốn lũ 2 xã Thạch Kênh và Thạch Liên, Hà Tĩnh. Ông Đỗ Khoa Văn, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà nói: Hai cơn lũ dữ liên tiếp đã làm hầu hết tất cả các xã đều bị nước lũ nhấn chìm hơn một tuần, làm 15 người bị thương, 187 nhà bị sập và cuốn trôi, hàng trăm công trình hạ tầng ảnh hưởng nặng nề… Đáng thương nhất là các gia đình neo người chỉ có 2 ông bà già, các con bỏ đi đâu không biết như: Bà Trần Thị Vân, xóm Lợi, 81 tuổi nuôi chồng ông Trần Đình Huề 82 tuổi bị bệnh thận.
Còn với chị Nguyễn Thị Hiền 30 tuổi, 2 con, chồng bỏ đi đã 3 năm không về, một mình chị nuôi 2 con, trông vào 2 sào ruộng để sinh sống, nay bị lũ cuốn sạch nhà chẳng còn gì, nhận những bao gạo từ tay anh Hà cán bộ Sudico, chị vui mừng nói: “Em cảm ơn các anh, các chị, cảm ơn Cty đã giúp đỡ em và bà con nơi đây những ngày tháng khó khăn vất vả”.
Tạm biệt Hà Tĩnh, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình vào huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Đợt lũ lụt năm nay tại Quảng Bình được cho là lớn bất thường, với đỉnh lũ đã vượt qua lần cao nhất trước đây vào năm 1983. Mưa có nơi đạt trên 1.300 mm. Nước sông Gianh lên trên mức báo động 3, làm ít nhất 5 người chết ở Quảng Bình. Quảng Trạch có 34 xã và thị trấn đều bị ngập lụt, 9 xã ở phía nam huyện Quảng Trạch bị chia cách hoàn toàn. 23.000 ngôi nhà bị ngập 1,5 mét trở lên, đồ vật của người dân trôi hết.
Đoàn chúng tôi được giới thiệu xuống Quảng Tiên và Quảng Sơn là 2 xã bị thiệt hại nặng bị nước ngập trắng, riêng xã Quảng Sơn có 2 thôn Quảng Sơn, Quảng Minh bị cô lập hoàn toàn. Vượt qua những con đường nhỏ khó đi vất vả, trời lại đổ mưa, nhưng khi trao những bao gạo nặng nghĩa, nặng tình tới tận tay người dân nơi đây, được đón nhận những lời “cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước, cảm ơn các anh, các chị, cảm ơn Sudico, cảm ơn Cty” với nét mặt vui tươi ẩn dấu những nét khắc khổ, lo toan đời thường trên những khuôn mặt người dân nơi đây hết thảy chúng tôi đều cảm động, dường như bao mệt mỏi, nặng nhọc, mưa gió như tan biến, chẳng thấm tháp vào đâu.
Ông Vi Việt Dũng -Tổng Giám đốc công ty Sudico cho biết những năm qua, SUDICO đã dành hàng chục tỷ đồng, nhằm xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình có công, trường học, ủng hộ quỹ người nghèo, giúp đỡ trẻ em mồ côi, học sinh nghèo hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… trên khắp cả nước. Chuyến đi ủng hộ người dân miền Trung vừa qua, cũng nhằm thể hiện sự chia sẻ những khó khăn mất mát… làm vơi đi nỗi đau người dân vùng lũ.
Tạm biệt Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An với những lời chúc, những cái bắt tay nồng ấm tình người của cán bộ huyện, xã, thôn, bà con.. Chúng tôi mong rằng một ngày không xa với sự nỗ lực của người dân, các cấp các ngành, cùng nhiều tấm lòng hảo tâm, người dân vùng lũ sớm trở lại cuộc sống bình thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.