Giao thông

Sức xuân trên công trường đường Vành đai 4

Thiện Mỹ 12/02/2024 - 06:21

Hiếm dự án nào lại đặc biệt như Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt từ tính chất, ý nghĩa quan trọng của tuyến đường đến các bước thực hiện dự án. Chỉ sau hơn 6 tháng khởi công, tuyến đường đã dần rõ hình hài.

Có mặt trên công trường thi công vào những ngày gần Tết Nguyên đán, chúng tôi cảm nhận rõ khí thế lao động hăng say, phơi phới sức xuân... Với tinh thần "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", tất cả các đơn vị, người lao động đều tập trung nhằm đưa dự án về đích đúng tiến độ, đạt chất lượng cao, xứng tầm công trình trọng điểm quốc gia.

vd4.jpg
Dự án đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Thường Tín đang được thi công khẩn trương.

Triển khai thi công đồng bộ

Tính đến những ngày đầu tháng 1-2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội, toàn tuyến đường song hành đường Vành đai 4 đã tổ chức 32 mũi thi công, gồm 23 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu. Các nhà thầu đã huy động khoảng 600 kỹ sư, công nhân, hàng trăm máy móc các loại...

Còn nhớ, vào ngày hè cuối tháng 6-2023, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khởi công. Tại xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), cũng như các điểm khởi công khác cùng thời điểm ở các huyện: Hoài Đức, Sóc Sơn, Thường Tín và tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, khí thế ra quân trên công trường thật sôi động. Tại điểm khởi công ở huyện Thanh Oai, mưa như trút nước; nhưng nhiều người dân vẫn lặn lội đến điểm khởi công chứng kiến thời khắc quan trọng này. Ngay sau lễ khởi công, các nhà thầu khẩn trương bắt tay vào thi công. Trực tiếp tham gia dự án tại khu vực xã Tam Hưng, Chỉ huy trưởng công trường gói thầu số 10 Đoàn Viết Thắng (Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng) cho biết: Mọi thành viên trên công trường lao động với tinh thần "Đoàn kết - chủ động - đột phá - xây dựng thương hiệu Tổng Công ty 319". Với tinh thần đó, sau hơn 6 tháng thi công, đoạn tuyến do đơn vị thi công đã rõ hình hài...

Những ngày này trời lạnh về chiều, nhưng công trường thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đoạn qua huyện Mê Linh) vẫn rộn ràng, nhộn nhịp khí thế lao động với 8 mũi thi công đang gấp rút triển khai phần việc được giao. Trong gian nhà điều hành nằm trơ trọi giữa cánh đồng, Phó Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần TVT Trần Trọng Vũ - một trong ba nhà thầu thi công gói thầu số 8 - vừa xoa hai bàn tay cho bớt lạnh vừa cho biết: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị đã huy động nhân lực, thiết bị để thi công các hạng mục như bóc lớp đất hữu cơ, đắp trả bờ bao khuôn đường, thi công cống, cọc khoan nhồi... Công trường gần như không có ngày im tiếng máy, mặt bằng giao đến đâu, đơn vị chuẩn bị máy móc và người làm đến đó. Ở thời điểm này, chỉ tính riêng mũi thi công của Công ty Cổ phần TVT đã bố trí hơn 50 lao động. Tùy khối lượng công việc, nhân lực và máy móc sẽ được điều động thêm. Đoạn đường Vành đai 4 mà Công ty Cổ phần TVT triển khai xây dựng chủ yếu nằm trên địa bàn xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), tình hình khá thuận lợi vì người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng sớm. Công việc hiện tại trên công trường là đắp nền đường đồng thời thi công hạ tầng thoát nước, cống hộp... “Anh em công nhân hầu hết đều ăn, ở tại ban chỉ huy công trường. Không khí Tết đang về, chúng tôi muốn thi công tuyến đường với tiến độ nhanh nhất, đạt chất lượng cao nhất để đón Xuân” - anh Trần Trọng Vũ tâm sự.

Rời công trường đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh, chúng tôi đến công trường đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Thường Tín (gói thầu số 11). Trên công trường, các công nhân và kỹ sư đang tiến hành xử lý đất nền yếu. Anh Trần Anh Tú, Phụ trách kỹ thuật Công ty Cổ phần thương mại Hoàng Long cho biết, gói thầu có 9 mũi thi công đường, 2 mũi thi công cầu. Trên công trường hiện có khoảng 100 công nhân. Vốn đã được bố trí, mặt bằng phần lớn đã được bàn giao nên các nhà thầu đều dồn lực thi công. Là người có gần 20 năm theo chân các công trình, anh Trần Anh Tú vui vẻ nói: "Dự án nào cũng được triển khai bài bản, khẩn trương, cả hệ thống chính trị và người dân cùng đồng lòng như dự án này thì tốt biết bao. Mặt bằng được bàn giao nhanh, đầy đủ, không bị “xôi đỗ”, đó là yếu tố quan trọng để các đơn vị thi công triển khai đồng bộ tất cả các khâu".

Những điều đặc biệt của dự án đặc biệt

Với Dự án đường Vành đai 4, khâu giải phóng mặt bằng được các địa phương coi là nhiệm vụ quan trọng số 1. Trên tinh thần “nước rút”, tất cả địa phương có dự án đi qua đều tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, các mũi tuyên truyền xuyên ngày, xuyên tháng vận dụng mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, tinh thần tiên phong của các đảng viên, hội viên trong các hội, đoàn thể... để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Thành Biển, cán bộ địa chính xã Văn Bình (huyện Thường Tín) kể câu chuyện đầy ý nghĩa. “Chưa bao giờ chúng tôi thực hiện một dự án “kỳ lạ” đến thế. Sự thần tốc diễn ra ở mọi khâu. Văn bản cấp trên chỉ đạo chưa ráo mực, anh em chuyên môn đã triển khai ngay. Toàn bộ các bộ phận “chạy” như một dây chuyền, khâu trước phải hoàn thành công việc để khâu sau tiếp tục phần việc của mình, không để khoảng trống. Chúng tôi làm ngày, làm đêm, 20 - 21h mới rời cơ quan, sáng hôm sau lại có mặt từ sớm... 29 tháng Chạp năm ngoái, anh em vẫn đồng hành hỗ trợ người dân di chuyển mộ mả để giải phóng mặt bằng. Thậm chí, một tổ công tác của huyện phải bay vào thành phố Hồ Chí Minh để vận động một gia đình di chuyển mộ...”. Phó Chủ tịch UBND xã Văn Bình Trần Nguyên Đức chia sẻ thêm, bắt tay vào việc, cái gì cũng khó, nhất là di chuyển mộ để nhường đất thực hiện dự án. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào địa vị người dân, lo cùng nỗi lo của người dân, cán bộ phải “vừa cứng, vừa mềm” và phải có chuyên môn vững thì người dân mới tin tưởng, đồng thuận.

Là địa phương có diện tích phải giải phóng mặt bằng nhiều nhất thành phố (239,63ha), huyện Hoài Đức đã thực hiện một khối lượng công việc vô cùng lớn. Cấp cơ sở gần dân, sát dân nhất, Bí thư Chi bộ thôn La Tinh (xã Đông La, huyện Hoài Đức) Nguyễn Khắc Kiên thở phào nói với phóng viên: “Đến hôm nay chúng tôi yên tâm vì đã hoàn thành nhiệm vụ vận động người dân di chuyển mộ mả về nghĩa trang mới sau hơn một năm mất ăn, mất ngủ. Thôn có 42 dòng họ thì cũng có ngần ấy ngôi mộ tổ, nhiều ngôi mộ có từ vài trăm năm trước... Để vận động bà con di chuyển, một năm có hơn 50 tuần thì chúng tôi đã tổ chức đến hơn 50 cuộc họp chỉ với một nhiệm vụ là tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và đồng thuận với dự án... Nhiều lần, lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã về họp và đối thoại với nhân dân vào buổi tối”.

Dù công việc phía trước còn nhiều và khó khăn, nhưng với kết quả đã đạt được, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: “Thời gian qua, bình quân huyện giải phóng mặt bằng khoảng 30ha/năm. Nhưng năm 2022 - 2023, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng ở mức đỉnh điểm với gần 300ha, bằng khối lượng công việc của cả 10 năm trước, trong đó phần lớn là diện tích giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường Vành đai 4. Dù khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nút thắt dần được tháo gỡ. Tinh thần làm gương, sự vào cuộc đồng bộ, thực chất, sát sao với công việc, sự lắng nghe, thấu hiểu của các cấp đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân, bảo đảm quyền lợi của nhân dân, sự minh bạch trong hành động... Đó là những “chìa khóa” làm nên thành công trong công tác giải phóng mặt bằng”.

Qua những câu chuyện hiện trường, chúng tôi cảm nhận được sự vào cuộc với tinh thần dấn thân của rất nhiều người. Những người phải làm ngày, làm đêm để hoàn thành tiến độ dự án không than vãn vất vả, mệt mỏi mà thể hiện rõ tính chuyên nghiệp đối với một phần việc quan trọng đòi hỏi mọi khâu cùng gắng sức. Tất cả đều vì thành công của một dự án đặc biệt làm nên huyết mạch giao thông của Vùng Thủ đô, góp phần đưa Vùng Thủ đô phát triển phồn vinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức xuân trên công trường đường Vành đai 4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.