Góc nhìn

“Sức sống” của tài liệu lưu trữ

Hà Trang 28/11/2023 - 06:10

Công tác văn thư, lưu trữ có vai trò quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra hằng năm về việc thực hiện nhiệm vụ văn thư, lưu trữ ở cơ sở cho thấy, công tác lưu trữ vẫn bị xem nhẹ ở một số nơi.

Một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ nên việc xây dựng, bố trí kho để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác lưu trữ còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý, khai thác giá trị tài liệu lưu trữ chưa được phát huy đầy đủ để phục vụ hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lịch sử ở địa phương.

Đấy là đối với các cơ quan nhà nước, còn với lưu trữ tư nhân, hẳn nhiều người còn nhớ, vào tháng 4-2023, dư luận trong nước xôn xao trước thông tin một số sắc phong cổ của Việt Nam được tổ chức bán đấu giá ở nước ngoài. Đây là những tài liệu cổ, có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc của dân tộc. Thực tế, có một số lượng lớn các văn bản, tư liệu, sách cổ của Việt Nam, đặc biệt là các văn bản Hán - Nôm, được lưu giữ trong cộng đồng, cá nhân, gia đình, dòng họ đã bị thất thoát do bị đánh cắp hoặc chuyển nhượng ra nước ngoài.

Sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, trong đó có việc chưa kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ; nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được Luật Lưu trữ năm 2011 quy định hoặc đã được quy định nhưng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện như thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, hoạt động lưu trữ tư và quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ...

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 27-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Dự án luật này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, dù luật sửa đổi sẽ chặt chẽ, đáp ứng được những yêu cầu của công tác lưu trữ trong giai đoạn mới, nhưng để phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, biến giá trị của tài liệu lưu trữ trở thành nguồn số liệu, sử liệu hữu ích đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì quan trọng hơn cả vẫn cần phải có sự đổi mới nhận thức về việc phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

Chính vì vậy, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần thường xuyên cập nhật và thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về công tác văn thư, lưu trữ và lưu trữ điện tử. Bố trí công chức, viên chức chuyên trách làm công tác văn thư, lưu trữ bảo đảm tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Trường hợp đã bố trí nhưng chưa đúng chuyên ngành cần tạo điều kiện để công chức, viên chức tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.

Đồng thời, các địa phương, đơn vị cần tăng cường đổi mới phương thức công bố tài liệu lưu trữ theo hướng hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin; tích hợp, chia sẻ các dữ liệu công bố để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể tiếp cận với thông tin tài liệu lưu trữ nhanh chóng.

Phát huy được giá trị, giữ mãi “sức sống” của tài liệu lưu trữ không những hữu ích với từng cá nhân, tổ chức mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Sức sống” của tài liệu lưu trữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.