(HNMCT) - Nếu đã quá quen thuộc với Sa Pa và mong muốn khám phá miền đất mới, cớ gì không xuôi thêm vài chục cây số để đến với Tam Đường? Nằm kề cận Sa Pa, ngay phía bên kia đèo Ô Quy Hồ nổi tiếng, huyện Tam Đường (Lai Châu) đang là địa chỉ du lịch mới đầy hấp dẫn.
Những địa danh không thể bỏ qua
Một năm trở lại đây, những du khách yêu mến Sa Pa đã “chấm” thêm một địa danh không thể bỏ qua khi đến với “thành phố trong sương”, đó là Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây. Vươn ra khỏi vách núi ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, cầu kính Rồng Mây cho du khách trải nghiệm cảm giác mạnh và mãn nhãn trước toàn cảnh con đèo huyền thoại Ô Quy Hồ cùng dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.
Không nhiều du khách biết rằng, Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây không thuộc bản đồ du lịch của tỉnh Lào Cai. Từ Sa Pa, vượt qua đèo Ô Quy Hồ là du khách đã đặt chân vào đất Tam Đường (tỉnh Lai Châu) mà điểm nhấn du lịch đầu tiên chào đón chính là cầu kính Rồng Mây. Đây hiện là địa điểm du lịch “hot” nhất của huyện Tam Đường, cũng là cầu nối đưa du khách tìm đến Tam Đường ngày một nhiều hơn.
Ngoài cầu kính Rồng Mây, bản đồ du lịch Tam Đường còn rất nhiều thắng cảnh mà lâu nay chưa có điều kiện “cất cánh”. Đó là thác Tác Tình với dòng nước trắng xóa đổ xuống từ trên cao, lãng đãng như dải lụa mây trắng thả xuống giữa xanh ngắt núi rừng. Là động đá trắng Tiên Sơn với 49 cung nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi với nhiều thạch nhũ lung linh và dòng suối lững lờ chảy trôi trong lòng động. Là đỉnh Pu Ta Leng - “nóc nhà thứ hai của Đông Dương” mà “dân phượt” không thể bỏ qua trong “nghiệp leo núi” của mình. Đó còn là hang bản Thẳm, động Hủm Xanh, đèo Thác Trắng, đồi chè Bản Bo, đồi thông Tả Lèng, cọn nước Nà Khương...
Dù có nhiều tiềm năng, song nếu so với hai tỉnh “hàng xóm” Điện Biên và Lào Cai thì du lịch Lai Châu còn chưa “thức giấc”. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch vẫn còn rất sơ khai. Đây là hạn chế, nhưng cũng lại là nét hấp dẫn của du lịch Lai Châu trong con mắt của những du khách ưa khám phá, tìm tòi... Chẳng thế mà dù các điểm du lịch Tam Đường còn chưa nổi danh nhưng lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng vẫn tăng nhanh theo từng năm.
Nếu năm 2015, Tam Đường có hơn 6.000 lượt khách du lịch, thì năm 2019 có gần 135.000 lượt người đến đây tham quan, tăng hơn 20 lần. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tam Đường thu hút hơn 477.400 lượt khách du lịch. Con số không lớn nhưng là động lực, là cơ sở để Tam Đường nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung mạnh dạn phát triển du lịch, quyết tâm đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Những bản làng đậm sắc màu văn hóa
Hiện ở Tam Đường có rất nhiều bản làng vẫn còn vẹn nguyên phong tục tập quán xưa, với những nếp nhà của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Lự. Nằm ở phía tây nam huyện, Bản Hon là điểm du lịch văn hóa cộng đồng hấp dẫn với những ngôi nhà sàn được bảo tồn nguyên dạng, những bắp ngô vàng óng treo bên hiên nhà, những khung cửi dệt vải thổ cẩm và củi khô để dành được xếp khéo léo dưới gầm sàn và những người phụ nữ dân tộc Lự răng đen nhánh hạt na, đôi tay thoăn thoắt may thêu trang phục dân tộc.
Anh Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch xã Bản Hon chia sẻ: “Nếu trước kia khái niệm nông thôn mới còn mơ hồ với người dân nơi đây thì từ năm 2015 đến nay, với sự đầu tư phát triển du lịch, hai điểm du lịch cộng đồng của xã là Bản Thẳm và Bản Hon đã bước đầu hình thành. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở lưu trú vẫn còn những hạn chế”.
Thực tế, ngoài việc bảo tồn và giữ gìn phong tục tập quán đặc trưng của đồng bào dân tộc Lự cùng sự đầu tư tài chính, muốn để Bản Hon phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa thì người dân nơi đây cần được đào tạo, nâng cao hiểu biết về du lịch cộng đồng, từ đó có cách làm du lịch đúng đắn.
Nói về du lịch cộng đồng ở huyện Tam Đường, không thể không nhắc đến Bản Thẳm, bản Nà Luồng, Nà Khương, bản Lao Chải, Sì Thâu Chải... Nằm xa trung tâm hơn so với Bản Hon, nhưng những bản du lịch cộng đồng này lại thu hút khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ cùng các giá trị văn hóa bản địa. Như bản Nà Khương nổi tiếng với những cọn nước đẹp nhất nhì Tây Bắc với những cây cầu tre nho nhỏ bắc qua suối trong xanh. Hay bản Sì Thâu Chải trên lưng chừng núi được giới trẻ “vinh danh” là “đệ nhất view”...
Để phát triển du lịch, chính quyền và người dân ở những bản làng này đã đồng lòng quyết tâm cải tạo môi trường, di dời các chuồng trại gia súc ra xa khu nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh sạch sẽ, tạo không gian thôn bản luôn xanh - sạch - đẹp. Người dân tại các bản du lịch cộng đồng còn góp tiền, góp công xây dựng vườn hoa, cổng bản, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch bằng chính những vật liệu sẵn có từ thiên nhiên... Chính những điều này đã làm nên diện mạo mới cho các bản du lịch cộng đồng huyện Tam Đường, thu hút du khách và đem lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.