Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức hấp dẫn mạnh mẽ của “Bệnh nhân người Anh”

Tuyết Minh| 24/02/2010 17:25

(HNMO) - “Bệnh nhân người Anh” là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của tác giả Michael Ondaatje. Đó là một cuộc hành trình của các số phận, của tình yêu và sự mất mát  xảy ra vào thời cuối của Thế chiến II ở Italia. Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim và giành được 11 giải Oscar 11, giành Giải Quả cầu vàng và giải BAFTA cho phim hay nhất vào năm 1997.

(HNMO) - “Bệnh nhân người Anh” là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của tác giả Michael Ondaatje. Đó là một cuộc hành trình của các số phận, của tình yêu và sự mất mátxảy ra vào thời cuối của Thế chiến II ở Italia. Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim và giành được 11 giải Oscar 11, giành Giải Quả cầu vàng và giải BAFTA cho phim hay nhất vào năm 1997.


Câu chuyện có sức hấp dẫn mạnh mẽ

Ở Italy những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ II, một chiếc máy bay bị bắn hạ và rơi xuống khu vực sa mạc Sahara. Trong chiếc máy bay là một người phụ nữ đã chết và một người đàn ông bị đốt cháy nghiêm trọng. Anh ta được gọi là bệnh nhân người Anh và được chuyển cho y tá Hana chăm sóc tại một biệt thự Ý bị hủy hoại. Tại nơi bỏ hoang đó, bên cạnh mối tình hiện thực đẹp nhưng buồn của nữ y tá Hana với chàng trung sỹ phá mìn Kíp là mối tình buồn quá khứ thông qua quyển nhật ký của Bệnh nhân người Anh - Laszlo de Almasy với cô gái Katharine Clifton. 

Sau tai nạn máy bay, bệnh nhân người Anh không nhớ được một chút gì về mình cũng như tất cả những gì đã xảy ra. Nhưng qua một loạt các cảnh hồi tưởng, người đọc dần dần biết được về quá khứ của anh. Bệnh nhân này thực ra không phải là người Anh mà là một người Hungary tên là Laszlo de Almasy - một phi công làm việc ở Hiệp hội Địa lý hoàng gia của Ai Cập trước chiến tranh.

Almasy gặp Katharine Clifton khi cô theo chồng là Goeffrey - nhân viên tình báo của Anh có nhiệm vụ làm một tấm bản đồ phục vụ nghiên cứu và là tư liệu cho quân đội Anh trong trường hợp chiến tranh bùng nổ. Và tình yêu đã đến với họ một cách đường đột và say đắm. Tuy nhiên, Goeffrey biết chuyện tình của Almásy và vợ, đã âm mưu giết vợ, tình địch và tự tử. Nhưng kế hoạch của anh ta đã không thực hiện được mà chính anh ta vong mạng, và Katherine bị thương nặng. Và sự đấu tranh sinh tồn của Almasy vàKatharine Clifton nơi vùng sa mạc mà chiếc máy bay rơi xuống trở thành một chuỗi các câu chuyện lãng mạn…

Hana -một y tá người Canada-Pháp đã chăm sóc “bệnh nhân người Anh” một cách dịu dàng và rất đỗi ân cần, dường như anh làm cô nhớ tới người đàn ông cô yêu và đã mất đi trong chiến tranh. Cô luôn đau khổ trong tâm trạng: “Tôi là một tai họa, bất cứ ai yêu tôi, gần gũi với tôi đều bị chết”. Suốt cuộc chiến, với những bệnh nhân trong tình trạng tệ nhất, cô tồn tại được bằng cách ẩn giấu một sự lạnh lùng trong vai trò y tá. “Mình sẽ tồn tại. Mình sẽ không sụp đổ vì chuyện này”. Đây là những câu chôn vùi trong suốt cuộc chiến của cô.

Kip - một trong hai người chuyên gia phá mìn quan sát sự dịu dàng ân cần của Hana và đem lòng yêu cô. Nhưng vì anh làm công việc vô cùng nguy hiểm, mà Hana luôn coi mình là người mang lại bất hạnh cho người khác, vì vậy cô lo rằng nếu hai người yêu nhau thì anh sẽ chết. Vì vậy họ yêu nhau chỉ biết ngày hôm nay, không dám nghĩ đến ngày mai.

David Caravaggio - bạn của bố của Hana vốn là tay móc túi chuyên nghiệp và nhờ tài này David được kết nạp vào hàng ngũ gián điệp của Anh với nhiệm vụ ăn trộm tài liệu của Đức. Vì có người phản bội, tung tích của David bị tiết lộ. Ông bị quân đội Đức tra khảo đến độ cắt mất hai ngón tay cái của ông. David truy tìm những kẻ phản bội này và đã giết vài người để trả thù. Còn một người David vẫn còn ráo riết truy lùng đó chính là “Bệnh nhân người Anh”…

Tuy nhiên, sau khi nghe Almásy kể lại vì sao ông ta phản bội, Caravaggio quyết định không giết Almásy, một phần Almásy đã gần đất xa trời, một phần có lẽ vì thấy Almásy đã bị đau đớn dày vò trong nhiều năm. Tình yêu của Kip và Hanah kết thúc khi nghe tin Đồng minh thả bom nguyên tử trên đất hai thành phố lớn của Nhật. Kíp nhận thấy sự vô nghĩa của mình sau khi anh đã cố gắng hội nhập vào thế giới của người da trắng. Còn "Bệnh nhân người Anh" đã tìm đến cái chết để giải thoát cho mình cũng như tìm về với người con gái mang tên Katharine …Một cái chết đúng nghĩa, không nuối tiếc và thấy mất mát.

Câu chuyện tình yêu luôn là đề tài muôn thủơ có sức hấp dẫn mãnh liệt với con người. Khai thác trên nền đề tài chưa bao giờ là cũ với mọi thế hệ này, tác giả đã để cho những hồi ức, những mâu thuẫn nội tại cũng như khát khao của nhân vật tự chi phối toàn bộ tâm trí của người đọc. Khi những tầng bậc các bí ẩn được hé mở, thì cũng là lúc người ta phát hiện ra một tình yêu lặng lẽ nhưng có sức sống bền bỉ vẫn đang tồn tại mạnh mẽ lắm trong thế giới này.


Một cảnh trong phim "Bệnh nhân người Anh"


Từ tiểu thuyết đến tác phẩm điện ảnh kinh điển

“Bệnh nhân người Anh” là cuốn tiểu thuyết đoạt nhiều giải thưởng và được dịch ra hơn 300 ngôn ngữ khác nhau, nhưng có lẽ bản dịch tốt nhất là khi nó trở thành một bộ phim vào năm 1996, một bộ phim kinh điển của đạo diễn Anthony Minghella.

Trước đó đạo diễn Anthony Minghella hoàn toàn bị mất phương hướng khi đọc cuốn tiểu thuyết, ông đã gọi điện cho Saul Zaentz để cuốn Saul vào dự án này. Nhà sản xuất phim Saul Zaentz là người rất tâm huyết với kịch bản phim. Ông đã nghiên cứu độc lập bằng cách thu thập các tác phẩm văn học nổi tiếng làm tư liệu cho bộ phim như One Flew Over the Cuckoo’s Nest, Amadeus, The Unbearable Lightness of BeingAt Play in the Fields of the Lord. Ông đã thành công trong việc gây sự chú ý của người xem bằng câu chuyện bí ẩn ngay từ đầu, sau đó bắt người xem phải động não về những gì họ đã thấy và tự khám phá ý nghĩa đích thực của câu chuyện.

Ban đầu hãng 20th Century Fox đồng ý tài trợ cho bộ phim, nhưng tranh luận đã nổ ra giữa các nhà sản xuất và quay phim về diễn viên chính của phim. Hãng Fox muốn nữ diễn viên đóng vai Katharine Clifton phải là người nổi tiếng như Demi Moore chứ không phải Kristin Scott Thomas nhưng các nhà sản xuất không đồng ý, kết cục Fox từ chối khi phim đã bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên sau vài tuần khi đoàn làm phim ở Italy mà không biết chắc chắn phim có tiếp tục được tiến hành hay không thì hãng Miramax quyết định “ra tay” thực hiện bộ phim này. Bộ phim giành được 11 giải Oscar 11, giành Giải Quả cầu vàng và giải BAFTA cho phim hay nhất vào năm 1997.

Phiên bản tiếng Việt của “Bệnh nhân người Anh” do dịch giả Hồ Như dịch, và được NXB Văn học và Công ty Sách Bách Việt xuất bản và phát hành trong tháng 2/2010.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức hấp dẫn mạnh mẽ của “Bệnh nhân người Anh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.