Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức bật của vùng bán sơn địa Chương Mỹ

Quỳnh Dung| 15/01/2011 08:16

(HNM) - Mặc dù thời tiết đang rét đậm, rét hại nhưng về với các trang trại, cánh đồng của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) người dân vẫn hăng say sản xuất, thiết thực lập thành tích dâng lên Đại hội lần thứ XI của Đảng và chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường Tết Tân Mão 2011.

Chăm sóc đàn gà giống tại Chương Mỹ. Ảnh: Trung Kiên


Được mùa, nông dân phấn khởi
Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cho biết, là huyện thuần nông, nhưng đồng đất lại không bằng phẳng, vùng đồng bằng, đồng trũng đan xen bán sơn địa, đồi gò, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ đã đề ra Nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với dồn điền đổi thửa giai đoạn 2006-2010. Nhờ có chủ trương đúng, hợp lòng dân, sau 5 năm, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, từ một huyện chỉ trồng cây sắn, cây ngô, nay đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa quy mô lớn.

Trong thời tiết giá rét dưới 10 độ C, ông Thám đưa chúng tôi tới thăm trang trại (TT) chăn nuôi khép kín quy mô 10ha của anh Đặng Đình Tiên, xã Đại Yên, điển hình sản xuất giỏi của huyện Chương Mỹ. Ngoài trời đang rét đậm nhưng trại nuôi gà ở đây vẫn bảo đảm độ ấm từ 25-32 độ C bằng hệ thống sưởi ấm tự động. Chủ trang trại phấn khởi cho biết, là đảng viên và từng làm bí thư đoàn xã, anh luôn đi tiên phong trong dồn điền đổi thửa, thành lập TT chăn nuôi xa khu dân cư. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, anh càng có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi, từ TT gần 2ha doanh thu mỗi năm đạt 1-3 tỷ đồng, năm 2010 đã mở rộng quy mô lên 10ha, trở thành một trong những TT chăn nuôi gia cầm khép kín quy mô lớn nhất Hà Nội với 2,5 vạn con gà đẻ mỗi lứa, 5.000 con gà hậu bị và 2 vạn con gà kế cận. TT đã xây dựng thành công thương hiệu gà sạch Tiên Viên có mặt ở các siêu thị và hệ thống phân phối gà sạch ở các quận nội thành. Hiện mỗi ngày hệ thống TT của công ty sản xuất ra 80.000 - 90.000 quả trứng và được tiêu thụ hết. Anh Đặng Đình Tiên rất vui vì năm nay tiếp tục là một năm làm ăn thuận lợi, sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao, thu nhập của trên 30 lao động ở đây hằng tháng đạt mức trên 1,7 triệu đồng.

Năm qua, được hỗ trợ của Sở NN&PTNT, hệ thống TT của anh đã áp dụng thành công chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm và là năm thứ 10 liên tiếp hệ thống TT Tiên Viên không xảy ra dịch bệnh. Cho rằng thành công hôm nay nhờ sự quan tâm đầu tư về nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, anh Đặng Đình Tiên rất mong Đại hội Đảng lần này sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ đầu tư hơn nữa đến nông nghiệp để người dân có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Kỳ vọng mới
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Doanh cho biết, Chương Mỹ đã chuyển đổi được hơn 200ha cây bưởi Diễn và cam Canh ở các xã vùng đồi gò, bán sơn địa như Nam Phương Tiến, Trần Phú, Xuân Mai… trồng 50ha cây nhãn muộn ở xã Lam Điền. Tết này, vùng cây ăn quả bội thu, nhiều chủ vườn thu nhập từ cam Canh, bưởi Diễn đạt 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Chương Mỹ còn chuyển đổi gần 200ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Tiên Phương, Trường Yên, Trung Hòa... Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn với 350 TT, tập trung ở xã Phụng Châu 74ha, Đại Yên 25ha, Đông Sơn 10ha, Hồng Phong 10ha… Ngoài các thành tựu chung sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư đang từng bước chuyển sang TT quy mô lớn, đưa chăn nuôi trở thành mũi nhọn trong nông nghiệp. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Thụy Hương được chọn là điểm của trung ương, tập trung chỉ đạo các dự án chuyển đổi tăng thu nhập cho nông dân như dự án trồng hoa ly, hoa lan. Ngay dịp Tết này, Thụy Hương dự định cung cấp cho thị trường 26.000 giỏ hoa phong lan, với giá trung bình từ 120-150 nghìn đồng/giỏ…

Đáng nói là 5 năm qua, kinh tế tăng trưởng bình quân hằng năm của huyện Chương Mỹ đạt 14,6%, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp gần 2 lần (năm 2006 đạt 5,8 triệu đồng, năm 2010 là 11 triệu đồng), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 42%; thương mại - dịch vụ chiếm 36%; nông nghiệp 22%. Năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt 76 triệu đồng/ha canh tác. Phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2010-2015 Đảng bộ Chương Mỹ chủ động xây dựng chương trình kinh tế trọng điểm, phấn đấu trở thành đơn vị phát triển toàn diện. Đến năm 2015, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 3.127 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 18,4 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 82,5 triệu đồng/ha canh tác, giảm hộ nghèo dưới 5%. Theo đó, năm 2011, tranh thủ nguồn hỗ trợ của TP, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã gặp nhiều khó khăn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác; dồn sức cho chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở 12 xã; xây dựng vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở Thanh Bình và Trung Hòa 80ha, hình thành các trang trại chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ; tiếp tục quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Tốt Động 100ha; mở rộng diện tích trồng ớt xuất khẩu lên 150ha tại 5 xã Đồng Phú, Hồng Phong, Thượng Vực, Văn Võ, Nam Phương Tiến. Xây dựng vùng lúa chất lượng cao khoảng 300ha ở xã Đồng Phú, Thụy Hương, Hòa Chính...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức bật của vùng bán sơn địa Chương Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.