Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sữa trắng Ba Vì

Nguyễn Quốc Ân| 01/02/2010 06:44

(HNM) - Những năm 60, 70 thế kỷ trước, sữa bò rất hiếm, người ốm may được hộp sữa


Sản phẩm sữa Ba Vì được bán dọc quốc lộ 21A. Ảnh: Bá Hoạt


Ngày 26-7-1968, ba huyện Tùng Thiện, Bất Bạt, Quảng Oai hợp nhất thành Ba Vì. Đất đai mênh mông, địa hình đa dạng, riêng hàng trăm quả đồi thoải dưới chân núi đã rộng 10.000ha. Những con suối Bơn, Chỏn, Hóc Cua, Ổi róc rách quanh năm từ trên cao chảy xuống. Đất nhiều, khí hậu mát mẻ nhưng mấy nông trường Ba Vì, Việt Mông, Môncađa chỉ dùng một phần chăn nuôi bò, còn lại mọc đầy bụi mua, sim, cỏ tế. Dân Yên Bài, Tản Lĩnh, Vân Hòa khai hoang từng vạt trồng sắn, khoai, thu chả mấy, đói nghèo vẫn đè nặng từng gương mặt.

Rồi khe suối, đồi gò, người tứ xứ lại mò đến đào phá khui lò tìm vàng tấm. Dọc đôi bờ suối Bơn nham nhở hầm hố. Đồi núi trở nên bạc màu, trơ sỏi đá, đến sim, mua cũng khó sống. "Tiềm năng" ngủ yên lắm lắm, tìm kiếm đến là khó.

Ngày 18-3-1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Ba Vì. Đứng trên ngọn đồi cao ở Cầu Bơn, ông ngắm nhìn vùng đồi bát ngát bên hữu ngạn sông Tích, những Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại trải dài đến chân núi, bên dưới là các xóm Bát, Quýt, Ba Vành, Hóc Cua. Đến các nông trường, ông nghe Anh hùng Hồ Giáo kể chuyện "nuôi bò như con", chỉ thị cho Môncađa nhân giống bò tốt cho dân. Tại một gia đình nuôi bò đẻ ở xóm Một, Tản Lĩnh, Thủ tướng nói chuyện nuôi bò ở Mông Cổ, Cuba, khuyên bà con tận dụng đất đồi trồng cỏ nuôi bò để dân có thịt nấu phở, có sữa uống, tăng cường sức khỏe.

Tiềm năng thế là đã hiện ra. Huyện ủy Ba Vì ra chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc, tập trung vào bò đẻ và bò sữa. Các xã vận động dân trồng cỏ trên đất hoang. Minh Châu, Cổ Đô, Phú Phương, Phú Cường có đàn bò hàng trăm con, có gia đình vài con vừa cày kéo vừa sinh sản. Vùng đồi gò Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Cẩm Lĩnh, Tiên Phong, Thụy An chi chít cỏ voi, cỏ V06, màu xanh ngút mắt từ tỉnh lộ 87 chạy đến chân núi. Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì ra đời, cung cấp cho nông dân nhiều giống cỏ giàu dinh dưỡng, giống bò cho nhiều sữa "như một nhà máy". Đàn bò các xã vùng cao có tới cả nghìn con. Đời sống được nâng lên, vùng đất của Thánh Tản Viên cũng trở nên lãng mạn hơn. Đi thực tế, nhạc sĩ Nhật Lai mê đắm với những ngọn đồi xanh cỏ voi, đàn bò căng sữa đủng đỉnh sột soạt. Câu "sữa trắng Ba Vì" được đưa vào bài hát "Hà Tây quê lụa". Với người dân, ước mơ no ấm đã thành hiện thực.
*
Sang đến thời kỳ đổi mới, người Ba Vì ngày càng chăm chút sự nghiệp chăn nuôi, đàn bò phát triển ra hầu khắp các xã. Đồi gò vẫn là vùng đông đúc nhất, nhiều nhà dăm bẩy, mười con. Hộ ông Đinh Ngọc Bưởi ở Yên Bài, ông Trịnh Văn Thuận ở Tản Lĩnh nuôi 15 con bò sữa. Nhà ông Nguyễn Nha Nguyên ở Hát Giang, bà Trương Thị Nhuận từ Đường Lâm lên Tản Lĩnh định cư thu mỗi ngày trên tạ sữa. Bà Nhuận vốn rất nghèo, khá giả lên mua được máy vắt sữa 14 triệu đồng. Câu lạc bộ nuôi bò sữa của xã mà bà làm chủ nhiệm có 90 thành viên, ai cũng từ nghèo mà thành rủng rỉnh. Trên quy mô xã, Tản Lĩnh là địa phương có tốc độ phát triển nhanh. Thiên nhiên bày ra những ưu đãi, trước chả ai biết mà tận dụng. Bắt đầu từ năm 2000 mấy nhà dắt bò sữa về, nay 60% số hộ đã "bắt chước", nâng tổng số con lên gần 800. Chủ tịch xã Bùi Văn Minh cho biết, đến năm 2009, 3.065/3.570 hộ có mức sống khá và giàu, số nghèo chỉ còn 10%.

Còn cả huyện Ba Vì thì sao? Kỹ sư chăn nuôi thú y Trần Đức Tĩnh, người lăn lộn với phong trào bấy nay đưa ra những tổng kết thú vị. Từ lúc bắt đầu vào năm 1998, cả ba vùng núi, đồi gò, ven sông đều phát triển đàn bò. Riêng năm 2009, huyện có 2.400 bò sữa sinh sản, cho 600 bò sơ sinh, 1.600 bò vắt sữa cho 5.000 tấn sữa. Để bò trong từng hộ dân có chất lượng cao, cho sữa tốt, trạm khuyến nông đã cử cán bộ thú y, kỹ thuật viên tới tận nhà theo dõi, hướng dẫn cách chăm sóc. Nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp hạch toán được phối hợp với thôn xã mở cho bà con. Mạng lưới thú y cơ sở rộng khắp giúp người nuôi phòng trị bệnh cho bò. Về giống, có 32 người, gọi là "dẫn tinh viên", có ở cả ba vùng, bảo đảm sự thuần chủng. Phối hợp với Trung tâm Chăn nuôi gia súc lớn, Công ty Sữa quốc tế IDP, Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ, các đơn vị thu mua, chế biến sữa hỗ trợ tinh, nitơ, vật tư cho việc thụ tinh, phối giống. Nhờ vậy chất lượng đàn bò được tăng lên, nhiều con cho 4.500 đến 5.000 lít sữa một chu kỳ vắt.
*
Sự phối hợp giữa các khâu sản xuất, lưu thông, chế biến... thông đồng bén giọt là một hình ảnh của sản xuất lớn. Về phương diện này, Ba Vì có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả hợp lý, người chăn nuôi thật sự yên tâm chuyên chú vào "mũi nhọn", giống như người nông dân hằng thâm canh trên đất đai. Cả huyện giờ có 17 điểm thu mua sữa của các công ty ANCO, IDP, Nghiên cứu bò và đồng cỏ, Vinh Nga. Ngoài số tiêu thụ ngay trong dân, mỗi ngày các công ty trên "vét" đi từ 10-12 tấn sữa tươi, nghĩa là vắt bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Bờ suối Bơn trước đây là bãi đào vàng nham nhở đã được san ủi phẳng phiu, mọc lên Nhà máy Sữa Nestlé vốn nước ngoài. Ngay trong hộ dân, người ta không lạ gì cách làm sữa chua, bánh sữa... những sản phẩm vắt ra từ con bò. Dọc tỉnh lộ 81, 84 và ở các điểm du lịch mọc san sát cửa hàng, cửa hiệu bán chế phẩm sữa Ba Vì. Cuối mỗi kỳ nghỉ cuối tuần, xe đưa khách đi chơi về dừng lại thưởng thức, mua quà về cho người thân, thứ quà lành, bổ.

Sữa Ba Vì ngày càng có thương hiệu. Dọc đường 32 từ Sơn Tây về tới nội thành Hà Nội, từ tỉnh lộ 87 rẽ sang Xuân Mai, Láng - Hòa Lạc là hàng trăm cửa hàng trưng biển bán sữa Ba Vì. Có một câu chuyện thế này: năm 2009, Anh hùng Hồ Giáo từ quê hương Quảng Ngãi trở lại Ba Vì, nơi ông gắn bó cả tuổi thanh xuân và "thành danh". Sau 30 năm xa cách, những kỷ niệm trỗi dậy khiến ông lão ngoại tám mươi rất xúc động. Từ Hòa Lạc rẽ theo đường 21B lên Ba Vì, ông ngạc nhiên thấy chi chít biển hàng "Sữa Hồ Giáo" hay "Hồ Giáo sữa", bèn đòi dừng xe. Hàng đang đông, khách du lịch uống sữa tươi hể hả, cô chủ trẻ bế con chạy ra đon đả: "Cụ và các chú, các anh dùng sữa gì ạ?".

Anh lái xe gọi cô gái lại gần Hồ Giáo, nghiêm mặt: "Ai cho cô lấy tên Hồ Giáo? Cô biết Hồ Giáo là ai không? Hồ Giáo là đàn ông làm sao có sữa mà bán được?".

Nghe giọng "hình sự", cô chủ nhỏ nhẹ: "Cháu không biết ạ. Chỉ nghe chồng cháu kể, xưa Ba Vì có ông Hồ Giáo nuôi bò nổi tiếng, được Thủ tướng yêu quý, lại có cả bài hát ca ngợi. Trước hàng cháu là Nguyên Vũ bán ế. Để ghi công ông, cháu lấy tên là "Sữa Hồ Giáo" bán được lắm. Chồng cháu mở hàng trên Hòa Bình cũng là "Sữa Hồ Giáo" rất đông khách.

- Không được! - anh lái xe nghiêm mặt - Anh chị phải nộp ngay bản quyền cái tên. Chị có biết cụ này là ai không? Cụ Hồ Giáo đấy!

Cô chủ sửng sốt suýt đánh rơi con nhỏ trên tay, vội chạy lại: "Ôi quý hóa cho chúng con quá. Như thể nằm mơ thấy cụ. Để con gọi chồng con về tạ ơn cụ". Người anh hùng chỉ cười rất hiền, rồi ra xe về với nơi "cất" bao kỷ niệm riêng của mình.

"Phải làm ra thật nhiều sữa bò, thịt bò để mọi người dân được uống sữa, được ăn phở bò". Lời căn dặn ngày nào của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thành hiện thực. Sữa Ba Vì thành thức giải khát ở nhiều nơi trong cả nước. Thịt bò từ đây "tràn" về trong bát phở tái, phở chín, sốt vang khắp phố phường. Yên Kỳ có cả một chợ thịt bò bán cất về Hà Nội. Còn ở những thôn làng dù trù phú cận thị hay hẻo lánh, ngày cưới, lễ, tết cả trăm mâm cỗ không thể thiếu bò xào, sốt vang, làm nụ cười thêm lây phây bên chén rượu.

"Sữa trắng Ba Vì" từ câu hát xứ Đoài đã "bước ra" bồi bổ sức khỏe cho con người, đem lại cho con cháu Đức Thánh Tản dưới non Thần cuộc sống ổn định, khá giả.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sữa trắng Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.