Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT: Siết kỷ luật

Thống Nhất| 08/01/2013 07:01

(HNM) - Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào các ngày 2, 3, 4-6-2013, từ cuối tháng 12-2012, Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi; theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 sẽ có nhiều điểm mới đáng chú ý.


Thêm quyền lợi cho thí sinh

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung là quy định cộng điểm khuyến khích cho thí sinh (TS) đoạt giải tại các kỳ thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật do ngành GD-ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức ở cấp THPT. Mức cộng cao nhất là 2 điểm, thấp nhất là 1 điểm (cho cả giải cá nhân và đồng đội), tương đương với mức điểm cộng cho TS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa lớp 12.


Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 sẽ được siết chặt kỷ luật hơn so với năm trước. Ảnh: Viết Thành


Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, quy định này không chỉ nhằm khích lệ, động viên HS hăng hái tham gia sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng những kiến thức được học trên lớp vào việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống mà còn góp phần thúc đẩy việc đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập của giáo viên phổ thông theo hướng "học đi đôi với hành". Bộ GD-ĐT cũng quyết định từ năm học 2012-2013, kỳ thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học sẽ diễn ra thường niên, tổ chức tại ba miền Bắc, Trung, Nam.

Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Bộ GD-ĐT đã hủy quy định chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương. Việc này giúp các sở GD-ĐT bớt vất vả, không phải lo vận chuyển bài thi đến tỉnh bạn song lại khiến dư luận băn khoăn về tính khách quan của kết quả chấm thi. Nhằm giải tỏa mối lo "thầy mình chấm bài trò mình", năm nay Bộ dự kiến tăng cường biện pháp nhằm bảo đảm tính nghiêm túc trong khâu chấm bài thi tự luận. Theo đó, mỗi hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi. Tổ chấm kiểm tra sẽ chấm lại ít nhất 10% số lượng bài thi đã chấm xong, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi, kịp thời phát hiện những sai lệch so với hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT. Việc thành lập tổ chấm kiểm tra, với quy trình nghiêm ngặt tại các hội đồng chấm thi, được kỳ vọng sẽ hạn chế tiêu cực - đã từng xảy ra trong năm trước khi có địa phương tự điều chỉnh, xây dựng hướng dẫn chấm riêng chứ không theo ba rem của Bộ.

Khuyến khích chống tiêu cực

Sau những điều tiếng đã xảy ra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước, điển hình là vụ tiêu cực ở Hội đồng coi thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), tại Điều 43 (Xử lý vi phạm) của Quy chế thi, Bộ GD-ĐT dự kiến bổ sung phần quy định về xử lý thông tin phản ánh tiêu cực. Bộ thông báo công khai 3 địa chỉ tiếp nhận thông tin, bằng chứng về những vụ việc vi phạm Quy chế thi để người dân biết và liên hệ, gồm Ban chỉ đạo (BCĐ) thi tốt nghiệp THPT trung ương, BCĐ thi cấp tỉnh/TP hoặc thanh tra giáo dục các cấp. Quy chế thi sửa đổi của Bộ GD-ĐT nêu rõ: Thông tin, bằng chứng và cả danh tính người cung cấp thông tin sẽ được bảo mật tuyệt đối.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc công khai địa chỉ tiếp nhận thông tin, bằng chứng về tiêu cực nhằm huy động mọi lực lượng ngoài ngành GD-ĐT tham gia vào việc tố cáo, đẩy lùi tiêu cực, làm lành mạnh hóa vấn đề thi cử. Với cơ chế bảo mật, mọi người dân đều có thể yên tâm cung cấp thông tin về những hành vi gian lận mà không lo bị trù dập.

Tuy nhiên, nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng quy định trên để gây nhiễu thông tin, tạo dư luận không tốt về kỳ thi, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra quy định: Người cung cấp thông tin và bằng chứng về việc vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp. Ngoài ra, người có bằng chứng về vi phạm có trách nhiệm gửi bằng chứng tới nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày kể từ khi kết thúc thi. Việc xử lý đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan tới các hành vi tiêu cực sẽ được công bố rộng rãi.

Điều 20 của Quy chế thi (về các vật dụng được phép mang vào phòng thi) cũng được sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn. Nếu như trước đây, các vật dụng mang vào phòng thi như bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, ê ke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình không được gắn linh kiện điện, điện tử, thì nay không còn là điều bắt buộc nữa. Nhưng nếu TS lợi dụng điều này để gian lận trong quá trình làm bài thi (dù đã hoặc chưa sử dụng) thì sẽ bị đình chỉ thi, bị hủy kết quả của cả kỳ thi.

Ngoài những quy định nhằm khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo hành vi gian lận trong thi cử, Bộ GD-ĐT còn bổ sung một số điểm nhằm siết chặt kỷ luật, nền nếp thi tốt nghiệp THPT. Trước mắt, đề thi sẽ có thêm mục cho TS ghi họ tên, số báo danh và chữ ký. Với cách thức này, đề thi sẽ được bảo quản chặt chẽ hơn, TS khó có thể chuyển đề cho nhau hoặc để lọt đề ra ngoài. Giám thị trong phòng thi sẽ phải ký tên vào giấy nháp và bài làm của TS ngay sau khi giao đề cho TS. Như vậy, trách nhiệm của cả giám thị và TS đều được tăng cường theo hướng chặt chẽ hơn so với quy chế hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT: Siết kỷ luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.