(HNMO) - Sáng ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV (27-11), các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Nhiều đại biểu tập trung phát biểu về công tác quản lý vi phạm trật tự xây dựng với hy vọng từ nay trở đi sẽ không phải sử dụng biện pháp “cắt ngọn” công trình.
Sửa đổi đạo đức công vụ của người thực hiện cần thiết hơn
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) băn khoăn những nguyên tắc liên quan đến việc lập, thẩm định phê duyệt cấp phép thanh tra, kiểm tra, các dự án đầu tư xây dựng hiện vướng mắc ở đâu khi để thực tiễn phát sinh ra những công trình vi phạm như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm (Hà Nội) hay mới đây nhất, vụ xe container kéo sập cầu ở thành phố Hồ Chí Minh mới vỡ lẽ dự án này không có hồ sơ thiết kế.
“Như vậy khi thẩm định dự án, cán bộ, công chức đã thẩm định thế nào và thẩm định cái gì khi không có hồ sơ? Khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Điều đáng nói là các điều khoản trách nhiệm lại không biết gắn cho ai khi sai phạm xảy ra”, đại biểu nêu.
Trên cơ sở đó, đại biểu nhấn mạnh: “Việc sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng là cần thiết nhưng cần thiết hơn là sửa đổi, bổ sung chính đạo đức công vụ của người tổ chức thực hiện”.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân cũng cho rằng, với tình trạng "ôm" quá nhiều việc thì nguồn lực ở Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng có thể bảo đảm thẩm định dự án đầu tư xây dựng hay không? “Nhiều công trình xảy ra sự cố có phải do thẩm định qua loa, quá tải hay còn lý do nào khác? Trong bối cảnh ngày càng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, vì sao không đẩy việc này về cho các địa phương?”, đại biểu Đoàn Bình Dương kiến nghị.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trật tự xây dựng.
“Chúng ta thấy rằng quy định xây dựng hiện nay rất chặt chẽ nhưng vi phạm trật tự xây dựng vẫn tràn lan, phổ biến, không xử lý, khó xử lý, không biết quy trách nhiệm cho ai. Nguyên nhân là có kẽ hở trong quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng là trách nhiệm của UBND địa phương hay thanh tra xây dựng. Quy định hiện nay đang có vẻ lập lờ và chồng lấn”, đại biểu chỉ rõ.
Cùng Đoàn Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí bàn về "cắt ngọn" công trình xây dựng. Đại biểu ủng hộ tinh thần xử lý nghiêm khắc với các công trình xây dựng vi phạm của các bộ, ngành, cơ quan chức năng hiện nay. Theo đại biểu, xử lý sai phạm xây dựng "cắt ngọn" công trình là không nên vì lý do cơ bản là làm hỏng kết cấu công trình, gây nguy hiểm nếu sử dụng phần còn lại.
Theo đại biểu, đây cũng là dạng phạt cho tồn tại, rất dễ phát sinh tiêu cực. Do đó, việc sửa Luật lần này cần thiết kế để ngăn chặn sớm, triệt để các sai phạm phát sinh, đừng để muộn mới ra lệnh "cắt ngọn”.
“Cử tri còn đề nghị, nếu có công trình xây dựng sai thì trước hết phải kỷ luật những người có trách nhiệm đã để xảy ra sai phạm. Chúng ta hy vọng từ nay trở đi sẽ không có biện pháp 'cắt ngọn' vì không có công trình sai phạm nữa”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.
Không cho phép “phạt cho tồn tại” với công trình vi phạm
Phát biểu tiếp thu và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, hiện nay, trong hệ thống pháp luật, các hoạt động xây dựng được điều chỉnh bởi nhiều luật và một số công cụ quản lý khác.
Chính phủ đã ban hành kế hoạch toàn diện thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến hoạt động xây dựng tại kỳ họp thứ bảy, xác định rõ các giải pháp hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện pháp luật về xây dựng. Vì vậy, ban soạn thảo, trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu, sẽ điều chỉnh, bổ sung, chỉnh lý Luật, đồng thời đề xuất Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại các luật liên quan.
Trước sự quan tâm của nhiều đại biểu về thẩm định dự án và cấp phép xây dựng để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình xây dựng, dự thảo Luật đã thể hiện rõ nội dung quy trình thẩm định với công trình sử dụng các nguồn vốn khác nhau, trong đó kiểm soát toàn diện, chặt chẽ đối với công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công và kiểm soát hợp lý đối với công trình sử dụng nguồn vốn khác.
Việc thực hiện đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính cũng đã được thể hiện thông qua việc tích hợp một số nội dung của thẩm định thiết kế, triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng…
“Việc đơn giản hóa thủ tục đã giảm tổng thể thời gian cấp phép xây dựng công trình cấp 1 từ 70 ngày xuống còn 20 ngày; từ 60 ngày xuống còn 20 ngày với công trình cấp 2 và 3. Việc cấp phép xây dựng với tất cả các công trình xây dựng đều đã được phân cấp cho địa phương, tức là các bộ không cấp bất cứ thứ giấy phép xây dựng nào”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định.
Bộ trưởng cũng nêu, tháng 12 tới, Bộ Xây dựng dự kiến sửa đổi ban hành thông tư về phân cấp công trình xây dựng. Theo phân cấp này, một số công trình trước đây gọi là cấp 1 thì nay sẽ là cấp 2, tức tăng cường phân cấp cho địa phương. Theo tinh thần này, số lượng hồ sơ mang về Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ thẩm định giảm 70% so với trước đây.
Trước một số ý kiến đại biểu băn khoăn việc rút gọn các quy trình thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng, Bộ trưởng cho biết, nội dung này sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sao đơn giản nhất, thuận tiện nhất cho các tổ chức, người dân, nhưng đồng thời bảo đảm yêu cầu chặt chẽ về quản lý chất lượng xây dựng công trình.
Theo hướng này, dự thảo Luật có đề xuất tích hợp một số nội dung trong công tác cấp phép thẩm định để giảm thời gian thủ tục. Tuy nhiên, để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hơn nữa trong công tác thẩm định và cấp phép thì đề nghị Quốc hội xem xét quyết định sửa đổi thời gian, quy trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy trong Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng cháy chữa cháy bảo đảm đồng bộ, liên thông. “Nếu đạt được sự đồng bộ trong 3 luật, thời gian cấp phép sẽ rất nhanh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về quản lý trật tự xây dựng, Bộ trưởng thừa nhận những bức xúc, tồn tại hiện nay được các đại biểu nêu ra là xác đáng, song cần được giải quyết cả bằng việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp.
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kể ngày 1-1-2018, tất cả công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế, tháo dỡ, xử phạt, không “phạt cho tồn tại”.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến đại biểu nêu sẽ được ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để đưa ra Quốc hội quyết định vào kỳ họp thứ chín tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.