Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa đổi Luật thi hành án dân sự: Tập trung cho những vấn đề cấp thiết

H.Vân| 13/06/2014 10:46

(HNMO) -  Sau 3 ngày chất vấn, sáng nay, 13/6, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 với việc thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.


Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, đa số ý kiến cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật. Tuy nhiên, các đại biểu đánh giá, Luật Thi hành án dân sự mới thực hiện được hơn 4 năm, phần lớn các quy định của Luật đang phát huy hiệu quả, nên phạm vi sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm đúng theo Nghị quyết của Quốc hội. Mặt khác, nhiều vấn đề trong dự thảo Luật liên quan mật thiết đến thẩm quyền, mô hình tổ chức của TAND, VKSND các cấp và chính quyền địa phương, nên cần được nghiên cứu một cách thấu đáo để bảo đảm sự đồng bộ.

Theo các đại biểu, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự chỉ nên tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết, các quy định không phù hợp với thực tiễn, trong đó xác định rõ hơn nữa quyền, nghĩa vụ của đương sự; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là quy định nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay như: việc xác minh, truy tìm tài sản thi hành án; cưỡng chế thi hành án; việc phân loại điều kiện thi hành án và điều kiện xét miễn, giảm thi hành án dân sự...


Về việc xác minh điều kiện thi hành án, một số đại biểu tán thành bỏ quy định người được thi hành án phải tự mình xác minh tại các cơ quan, tổ chức, bỏ quy định thu khoản tiền chi phí xác minh, nhằm giảm bớt thủ tục, chi phí và gánh nặng cho người dân. Đồng thời, rút ngắn hơn thời hạn tiến hành xác minh, việc dự thảo Luật quy định Chấp hành viên tiến hành xác minh trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Chấp hành viên nhận được quyết định thi hành án là không hợp lý.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sửa đổi quy định về ra quyết định thi hành án (khoản thi hành cho công dân) theo hướng: Tòa án (hoặc cơ quan thi hành án) phải ra quyết định thi hành án đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người được thi hành án có đơn đề nghị không thi hành án, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan thi hành án lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ thi hành án.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã cho ý kiến tại tổ về dự án Luật đầu tư (sửa đổi). Chiều nay, Quốc hội làm việc ở hội trường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; và thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Luật thi hành án dân sự: Tập trung cho những vấn đề cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.