(HNM) - Là người tu hành, sư thầy Thích Đạo Cảnh (chùa Diên Phúc, Hoài Đức, Hà Nội) đã hiến thận, cứu giúp người thoát khỏi nỗi đau bệnh tật. Thầy cũng xin hiến toàn bộ cơ thể mình khi về với cõi cực lạc.
Chúng tôi tìm đến chùa Diên Phúc khi nhà chùa đang tất bật lợp lại mái ngói. Nghe có nhà báo đến, thầy Cảnh đang "vắt vẻo" dọn ngói cũ nói vọng xuống: "Nhà chùa hôm nay bận lắm, không có thời gian tiếp khách rồi. Nhà báo cứ nhìn sau một năm hiến thận, thầy vẫn khỏe mạnh, làm việc thế này rồi về báo cáo là được rồi". Thấy nhà chùa bận bịu, chúng tôi xắn tay áo phụ giúp, dỡ ngói, lát đường... nhoắng một cái đã hết buổi trưa. Thấy khách cũng tất bật với việc chùa, thầy bảo: "Hôm nay nhà chùa mời ở lại dùng bữa cơm chay rồi nói chuyện. Nhưng nhớ, có gì nói đấy thôi đừng nói quá lên mà tổn phước, quan trọng là làm sao giúp ích cho chúng sinh!".
Sư thầy Thích Đạo Cảnh. |
Thầy Thích Đạo Cảnh vừa lần tràng hạt vừa bắt đầu câu chuyện: "Duyên với cửa Phật đến với thầy đã 8 năm rồi. Ăn chay trường suốt những năm qua nhưng mồ chôn trong người vẫn còn nhiều lắm!" Lặng một hồi lâu, thầy kể, trước khi quy y cửa Phật, thầy cũng trải qua hết những buồn, vui, sướng khổ của đời người, cũng có gia đình, vợ con, bạn bè. Thầy từng có những vui thú hưởng lạc, từng mưu toan danh lợi, thậm chí phạm sai lầm như những người bình thường khác. Đến năm 2007, mọi người trong gia đình ngạc nhiên khi thấy thầy nhất quyết đòi đi tu. Nhân chuyến xa nhà của vợ, thầy bán con trâu trong chuồng, làm lộ phí đến chùa xin nương nhờ cửa Phật. Đi từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội, nơi nào có chùa, thầy lại xin được nương nhờ. Tuy nhiên, gặp thầy lúc ấy, trụ trì nào cũng lắc đầu bảo thầy vẫn còn lắm tham, sân, si.
Sau 2 năm đi gõ cửa khắp các cửa chùa, thầy Cảnh được nhận vào chùa Diên Phúc. Từ đó, thầy ngày đêm đọc kinh, niệm Phật, cầu mong xóa bỏ những nghiệp chướng của đời người và ước mong ban phước cho thiên hạ. Một thời gian sau, thầy về chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) giúp nhà chùa xây dựng, sửa sang. Tại đây, thầy đau ốm và mắc bệnh ung thư gan. Cũng như bao người khác, thầy cũng chán nản, bỏ bê ăn uống, tâm trí muộn phiền. Suốt nhiều tháng ròng, thầy đóng cửa lần tràng hạt. Khi tâm trí đã tĩnh tại, thông suốt, thầy tiếp tục tu hành, ăn uống đều đặn. Thầy khấn nguyện, cầu xin đức Phật linh nghiệm cho được thoát khỏi kiếp nạn tai ương này. Nếu được, thầy xin nguyện hiến hết những gì có thể cứu độ chúng sinh. Lời nguyện cầu như linh ứng, năm 2013 thầy Cảnh đến bệnh viện làm xét nghiệm lại, các tế bào ung thư gần như đã biến mất, chỉ còn một khối u nhỏ, được chẩn đoán là u lành.
Sức khỏe dần phục hồi, không quên lời khẩn cầu, đến năm 2014, thầy Thích Đạo Cảnh tìm đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Việt - Đức viết đơn xin được hiến gan. Thầy nhớ lại: "Lúc ấy, các bác sĩ ở trung tâm nghe tôi nói muốn hiến tạng thì ngạc nhiên lắm. Họ hỏi thầy suy nghĩ kỹ chưa, nhưng thấy tôi quyết, nên đã tiến hành làm xét nghiệm cho phép nhà chùa hiến gan". Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm, thì được biết gan của thầy vẫn còn có khối u nhỏ nên không đủ điều kiện hiến. Thầy Cảnh đề nghị được kiểm tra thận và được hiến như mong muốn. Thầy Cảnh tâm sự: "Thầy tìm đọc trên mạng, thấy có nhiều người nghèo đói, ốm đau bệnh tật. Có người cả đời chẳng ngày nào được sống khỏe mạnh, vui vẻ, nhưng chỉ cần được thay thế một quả thận, một lá gan, một giác mạc, họ sẽ như được đổi số. Nếu nhà chùa có thể, sao không giúp họ kia chứ. Giúp đời là giúp mình. Đem phước lộc cho đời, ngày đêm tu tâm niệm Phật sẽ giúp tiêu tan nghiệp chướng!".
Thầy Thích Đạo Cảnh quyết tâm hiến thận cho bằng được. Suốt 3 tháng, mỗi tuần, thầy Cảnh cùng với một sư bác từ chùa Diên Phúc lên Bệnh viện Việt - Đức làm các thủ tục xét nghiệm để hiến thận. Thầy bảo, ngày ấy, Trung tâm Điều phối tạng mới thành lập nên chắc còn nhiều khó khăn, cũng mất nhiều thời gian mới hoàn tất được thủ tục. Bây giờ mọi thứ trơn tru, gọn gẽ lắm rồi. Ngày thầy Thích Đạo Cảnh tiến hành hiến thận, nằm trên giường bệnh, sư thầy khấn nguyện, một quả thận của mình có thể mang đến sức khỏe cho một người nào đó đang mong ngóng nó từng ngày. Và rồi, điều kỳ diệu đã xảy ra, sau ba ngày, thầy Thích Đạo Cảnh đã có thể đi lại được. Trong phòng bệnh, thầy chỉ chờ đến ngày được phép vào thăm bệnh nhân - người có cơ may được thầy trao cho niềm hạnh phúc bất ngờ.
Ông Hà Cao Sơn (62 tuổi, Lào Cai) là người may mắn có được niềm hạnh phúc đó. Sau một năm được thay thế quả thận mới, sức khỏe của ông Sơn đã tốt hơn rất nhiều. Ông Sơn tâm sự: "Gần 10 năm liền tôi phải chạy thận để duy trì sự sống. Sau khi có thầy Cảnh cứu giúp, tôi đã có thể sinh hoạt bình thường. Gia đình chúng tôi biết ơn thầy Cảnh nhiều lắm. Cha con tôi vẫn thường mang gạo, mang quà đến chùa thăm thầy, nhưng thầy nhất định không nhận. Thầy dặn có tâm thì phát công đức cho nhà chùa, không nên quà cáp gì cho riêng thầy mà tổn phước. Thầy nói thế, gia đình tôi cũng chấp tay nghe theo và thường xuyên công đức cho nhà chùa".
Thầy Thích Cảnh Đức tâm niệm: "Tất cả rồi cũng trở về với cát bụi. Sâu dưới nấm mồ, sau này bốc lên cũng chỉ là một nắm xương khô thôi. Cớ gì không làm phúc cho chúng sinh, mang lại sự sống cho người khác. Những ai xấu số, thiệt phận, gia đình cũng chớ có đau buồn quá. Thay vì vậy, hãy hiến những gì còn có thể sống của họ cho những người cần nó, điều đó đáng làm hơn. Được như vậy, người chết cũng đang tạo phước cho mình, đang phước lành cho gia đình mình. Còn những người được hiến, họ sẽ như được sống lại thêm một lần nữa". Với những tâm niệm đó, không chỉ xin hiến gan, từng hiến thận, những năm qua, thầy Thích Đạo Cảnh còn làm đơn xin hiến giác mạc. Năm 2014, sau khi máy bay trực thăng của một đơn vị quân đội rơi tại Thạch Thất, biết tin, thầy Cảnh vội viết đơn xin hiến da cứu hai chiến sĩ bị bỏng nặng. Tuy nhiên, do đa chấn thương, hai chiến sĩ không kịp cấy ghép da từ người hiến.
Vừa kể chuyện, thầy Thích Đạo Cảnh vừa lần tìm trong cuốn vở nhỏ lá đơn tay thầy mới thảo xong. "Nhà chùa đã viết đơn xin hiến toàn bộ cơ thể mình cho các nhà khoa học rồi. Hy vọng, khi thầy viên tịch, đôi mắt sẽ vẫn sáng, trái tim sẽ còn đập để mang lại sự sống, niềm hạnh phúc cho chúng sinh. Có như vậy, thầy cũng hoan hỉ mà tìm về với cõi cực lạc".
Cuộc trò chuyện giữa khách và sư thầy kết thúc cũng là lúc tiếng chuông chùa ngân nga. Vội vã chào khách, sư thầy lại đội nón cùng với các sư, các vãi trong chùa làm tiếp công việc còn dang dở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.