Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự thay đổi cần thiết

Minh Thúy| 19/06/2017 06:36

(HNM) - Những năm gần đây, nhằm phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, TP Hà Nội đã triển khai liên tiếp nhiều dự án lớn về hạ tầng giao thông. Trong quá trình giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, hàng nghìn cây xanh đã được di dời, thay thế.


Nhiều người thấy tiếc khi hình ảnh những con đường ngát xanh, rợp bóng bao năm bỗng dưng phải nhường chỗ cho các công trình công cộng phục vụ đi lại của người dân. Nhưng đây là công việc không thể không làm. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 5-6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đã nói: “Bây giờ chặt cây đi ai cũng tiếc, vì mình đang trồng chả được, nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm thôi”.

Là sự thay đổi cần thiết vì sự phát triển của Thủ đô, đương nhiên mỗi bước tiến hành cần phải tìm cho ra lời giải có lợi nhất trong bài toán về cây xanh ở Thủ đô. Điều này chỉ có kết quả thuyết phục khi dựa trên cơ sở tầm nhìn biện chứng và tổng thể.

Lấy một ví dụ, cách đây vài năm, tuyến đường Nguyễn Trãi kéo dài từ quận Thanh Xuân đến Hà Đông quanh năm rợp bóng cây xanh. Mặc dù có mặt cắt khá rộng, vậy nhưng do mật độ phương tiện tăng cao, chuyện ùn tắc giao thông xảy ra "như cơm bữa" vì bị cắt khúc bởi dải cây xanh chen giữa các phần đường. Rồi đến khi triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hầu hết số cây hai bên đường đều nằm trong hành lang an toàn mà Luật Đường sắt quy định. Vậy nên việc phải giải tỏa là việc tất yếu và không muốn vẫn phải làm. Có điều, chủ trương của thành phố là đi đôi với "giải tỏa" hàng cây giữa đường thì cũng tăng cường thay thế, trồng mới cây ven hai bên hè cho vừa đúng chúng loại cây đô thị vừa bảo đảm diện tích cây xanh cần thiết.

Dẫu vậy, khi mới thực hiện, cũng có không ít ý kiến trăn trở, phản biện; song giờ đây khi thấy tuyến đường đã mang dáng vóc mới với mặt cắt rộng, phẳng, đồng bộ thì đa số đều nhận thấy sự thay đổi là cần thiết và hợp lý. Hiệu quả thấy ngay chính là dù phải rào chắn thi công công trình nhiều năm, song cảnh ùn tắc giao thông đã không còn. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi đường sắt trên cao được đưa vào sử dụng, tuyến huyết mạch này sẽ còn phát huy hiệu quả hơn nữa… Đặc biệt, những hàng cây xanh mới trồng trên tuyến đường này đang vươn lên, hứa hẹn sẽ sớm tỏa mát phục vụ người dân.

Tất nhiên, Hà Nội không chỉ di dời, thay thế cây phục vụ các dự án. Lớn hơn thế, Hà Nội đã có quy hoạch chung, có nghị quyết trong đó xác định nhiều cơ chế quản lý với tầm nhìn dài hạn, giải pháp căn cơ, khoa học huy động mọi nguồn lực xã hội để bảo tồn, phát triển cây xanh, vườn hoa, công viên... từ đó hình thành một đô thị xanh, sạch, đẹp. Việc trồng mới, thay thế, bảo tồn được xác định mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn phát triển, được thực hiện thận trọng trên cơ sở lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân, của các chuyên gia, những nhà khoa học nhằm phù hợp với không gian đô thị, an toàn với con người. Nhiều tuyến phố mới đã, đang hình thành không chỉ hiện đại, mà còn xanh, đẹp... là minh chứng rõ nét cho cách làm này.

Có thể nói, cây xanh là một phần không thể thiếu và là niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát triển hệ thống cây xanh đồng bộ trên toàn thành phố thì không chỉ riêng chính quyền có thể làm hết được. Chúng ta còn cần có sự chung tay của mọi tổ chức, doanh nghiệp và cả người dân đóng góp, bảo vệ, duy trì hệ thống cây xanh để cải thiện môi trường, cảnh quan đô thị. Sự đồng thuận, ủng hộ của mỗi người dân sẽ là sự cộng hưởng lớn để những thay đổi của hiện tại trở thành nền móng cho sự phát triển đưa Hà Nội sớm trở thành thành phố Xanh thực sự! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thay đổi cần thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.