(HNM) - Vào những ngày cuối cùng của năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cử Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ thay thế bà Hillary Clinton trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình.
Với ông J.Kerry sát cánh bên mình, ông B.Obama tin rằng vị thượng nghị sĩ, người tích cực ủng hộ ông từ lâu sẽ nhanh chóng nhận được sự phê chuẩn của Thượng viện. Theo giới truyền thông Mỹ, ông J.Kerry được đề cử làm Ngoại trưởng sau khi bà Susan Rice, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc tuyên bố không ứng cử vào vị trí này. Một số nhà phân tích cho rằng, cái chết của Đại sứ Christopher Stevens và 3 nhân viên ngoại giao Mỹ tại Benghazi, Libya hôm 11-9-2012 là một trong những nguyên nhân giúp ông J.Kerry được đề cử làm Ngoại trưởng.
Sinh năm 1943 tại Denver, bang Colorado nhưng trưởng thành ở bang Massachusetts và Washington D.C, ông J.Kerry từng theo học tại trường tư ở Thụy Sỹ, nơi cha ông làm ngoại giao. Là người có kinh nghiệm trong các hoạt động đối ngoại quốc tế, ông J.Kerry nói thạo tiếng Đức, Pháp và Bồ Đào Nha. Năm 1966, J.Kerry gia nhập lực lượng dự bị hải quân Mỹ và từng được điều tới Việt Nam với lon Trung úy hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở tiểu vùng Mekong trong giai đoạn 1968-1969. Chứng kiến cảnh nhiều người bỏ mạng vì những quyết định sai lầm của các nhà lãnh đạo Washington nên chàng sĩ quan hải quân quyết định phản đối chiến tranh. Sau khi trở lại Mỹ (tháng 3-1969 vì bị thương), J.Kerry được công chúng đánh giá cao khi đứng đầu một nhóm cựu binh tham chiến ở Việt Nam phản chiến. Sau thất bại trong cuộc đua vào Hạ viện năm 1972, ông trở lại trường luật và làm việc như một Ủy viên công tố ở bang Massachusetts. Đến năm 1984, J.Kerry được bầu làm Thượng nghị sĩ đại diện cho bang Massachusetts và đến nay là nhiệm kỳ thứ năm.
Tổng thống B.Obama từng đánh giá cao sự hợp tác của ông J.Kerry giúp thúc đẩy nhiều vấn đề ưu tiên chính sách đối ngoại của Nhà Trắng, trong đó có việc phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân START mới với Nga. Nước Mỹ có thể sẽ trở nên mềm mỏng hơn trong chính sách đối ngoại nếu J.Kerry đứng đầu ngành ngoại giao, bởi ông vốn nổi tiếng là người tích cực phản đối và phản đối có hiệu quả cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam trước đây, cũng như thường xuyên chỉ trích chính sách ngoại giao "diều hâu" của chính quyền George W.Bush trong các năm qua. Trên trường quốc tế, ông J.Kerry là một gương mặt quen thuộc với các nhà lãnh đạo trên thế giới - những người được coi là có vai trò then chốt với các lợi ích của Mỹ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói: "Ông Kerry quen biết hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới. Vì vậy, khi tới một đất nước, ông ấy sẽ không còn là một người lạ với giới lãnh đạo nước đó". Còn Tổng thống B.Obama khẳng định: "Công bằng mà nói thì hầu như không có ai quen biết nhiều tổng thống, thủ tướng và nắm chắc các chính sách đối ngoại của chúng ta, như ông J.Kerry. Và điều này khiến ông ấy trở thành sự lựa chọn hoàn hảo để lãnh đạo ngành ngoại giao của Mỹ trong những năm tới".
Dẫu vậy, khi được Thượng viện phê chuẩn, ông J.Kerry sẽ đối mặt với không ít thách thức trên cương vị mới, từ cuộc khủng hoảng Syria, vấn đề hạt nhân Iran, việc giảm hoạt động tham chiến ở Afghanistan đến mối quan hệ với Nga, Trung Quốc… Sẽ là không dễ dàng cho bất kỳ một công dân nào của xứ Cờ hoa khi phải giải quyết tất cả những "rắc rối" đúng lúc nước Mỹ đang buộc phải "thắt lưng buộc bụng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.