Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự lạnh nhạt nguy hiểm

Vân Khanh| 11/03/2014 06:34

(HNM) - Một vài ngày sau khi ông Viktor Yanukovych bị lật đổ khỏi vai trò lãnh đạo quốc gia láng giềng

Cũng chỉ một vài ngày sau động thái nhanh chóng của ông chủ Điện Kremlin, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã mở cuộc tập trận mùa đông tại miền Bắc Na Uy có sự tham dự của 16.000 lính từ 16 nước trên kịch bản ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự bất ngờ. Cả Nga và NATO đều phủ nhận việc hành động này được thực hiện để nhằm vào nhau. Tuy nhiên, thời điểm quá nhạy cảm của cuộc khủng hoảng đang leo thang tại Ukraine đã không thể thuyết phục được dư luận rằng, hai chủ thể của thời kỳ Chiến tranh lạnh đã hoàn toàn vô tư trong các bước đi của mình.

Binh sĩ Nga tham gia một cuộc diễn tập quân sự.



Những nghi vấn đã dần được sáng tỏ không phải bằng lời giải thích của bất kỳ bên nào mà từ chính hàng loạt tuyên bố đi kèm hành động của các bên liên quan. Mỹ thông báo kế hoạch gửi 12 chiến đấu cơ F-16 thay vì máy bay vận tải đến Ba Lan sau khi điều thêm 6 máy bay chiến đấu F-15 và 1 máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 tới các quốc gia "hàng xóm" của Nga ở Baltic. Nga dường như cũng chả chịu lép vế khi nhấn mạnh quyền được triển khai quân đội tại bán đảo Crimea nhằm bảo vệ các căn cứ quân sự hợp pháp tại đây. Một cuộc tập trận nữa với 3.500 binh sĩ Nga cùng hơn 1.000 khí tài và dàn tên lửa "khủng" từ S-300 đến Buk-1… cũng diễn ra trong một tháng tới tại thao trường Kapustin Yar, chỉ cách biên giới phía Đông của Ukraine vỏn vẹn có 450km. Những cuộc phô trương sức mạnh quân sự của cả hai phía được "đính kèm" với các phát ngôn sắc lạnh đã từng đốt nóng thế giới trong mối quan ngại về chiến sự cận kề. Đến nay, tuy rằng nguy cơ một bên nào đó sẽ "động thủ" để cuốn thế giới vào một trật tự chia rẽ nghiêm trọng như từng tồn tại trong một thời gian dài đã giảm bớt, nhưng sự đối kháng về quân sự có phe phái giữa Đông và Tây rõ ràng đang quay trở lại. Việc cả Washington quyết định ngừng toàn bộ mọi hợp tác quân sự với Mátxcơva từ tập trận chung, đàm phán song phương, tham vấn cũng như các hội nghị hợp tác quốc phòng khiến Nga chẳng thương tiếc đưa ra phản ứng tương tự là một bằng chứng thực tế cho sự lạnh nhạt nguy hiểm này. Xét về tổng thể, mối quan hệ quân sự giữa Mỹ - Nga diễn ra trên một số lĩnh vực không trọng yếu và ở quy mô hạn chế nên chả đủ sức để gây thiệt hại đáng kể cho bên nào. Tuy nhiên, kể từ thời điểm các chuyên gia quân sự đầu tiên của xứ Cờ hoa được phép đặt chân lên quê hương của cây bạch dương thời cựu lãnh đạo Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev, ý nghĩa của mối liên hệ nằm ở tính biểu tượng cao của nó. Sự hợp tác trong lĩnh vực mà không ai muốn ai biết rõ về mình cũng được xem như một yếu tố chính để thúc đẩy các liên lạc chính trị, ngoại giao giữa hai bên và là một trong những mấu chốt có hiệu quả để bảo đảm an ninh toàn cầu. Vì vậy, trong bối cảnh căng thẳng, Ukraine đã biến thành trận địa đối ngoại giữa Nga - phương Tây, thì sức ảnh hưởng quá lớn của các siêu cường này tất yếu sẽ lập tức tác động tiêu cực tới trật tự, sự ổn định thế giới và vấn đề kiểm soát vũ khí.

Căng thẳng lại được đẩy lên một tầm mức mới khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết đang xem xét khả năng ngừng các hoạt động thanh tra tại chỗ theo như điều khoản ký kết với Mỹ trong Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START II) hồi năm 2010. Như thế có nghĩa là, bản hiệp ước được ngợi ca như một sự khởi đầu mới cho mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Mỹ và Nga đang đứng trước nguy cơ "chết yểu". Khi hai cường quốc sở hữu phần lớn kho vũ khí hạt nhân của thế giới và có thể tự mình hủy diệt trái đất mà thậm chí không cần phải đánh nhau, thì START II được ghi nhận như một thắng lợi trong nỗ lực xây dựng lòng tin giữa hai cường quốc. Với việc quy định mỗi quốc gia không được phép triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, trên biển và máy bay ném bom, văn bản này còn mở đường cho việc cắt giảm hơn nữa vũ khí nguyên tử trong tương lai. Thế nên, START II thực chất không còn là câu chuyện của hai nước mà là mối quan tâm chung của nhân loại trong tiến trình hướng tới một thế giới phi hạt nhân. Sự kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau giữa Nga - Mỹ cũng sẽ có tác dụng hạn chế năng lực hạt nhân của nhiều nước lớn và triển vọng hợp tác trong các hồ sơ khó khăn khác như Iran hay Triều Tiên.

Cho đến hiện tại, không nhiều ý kiến thiên về nhận định sẽ xảy ra một trận "quyết chiến" giữa Nga và phương Tây vì hậu quả của việc làm này quá nghiêm trọng. Nhưng vì những lợi ích sát sườn không dễ dàng từ bỏ, Ukraine sẽ chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị, ngoại giao, quân sự căng thẳng mà việc trở về quỹ đạo bình thường sẽ là một hành trình lâu dài và nhiều trở ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự lạnh nhạt nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.