Ở làng nọ có một gia đình người phu xe nghèo khó. Họ có hai người con trai. Người vợ tảo tần sớm hôm còn người chồng thì suốt ngày lướt khướt trong hơi men. Ba mẹ con lăn lộn làm thuê, hết nông trang này đến trang trại kia, quanh năm suốt tháng không một ngày nghỉ ngơi mà vẫn không đủ ăn.
Tiền công kéo xe thu được bao nhiêu cũng chỉ đổ hết vào chai rượu của người cha. Cho đến một ngày, người mẹ mất vì lao lực, hai anh em vẫn mải miết làm thuê để duy trì cuộc sống cùng cực bên người cha nghiện ngập. Và rồi người cha cũng qua đời sau một cơn bạo bệnh. Hai anh em sống cảnh mồ côi, trống vắng và thiếu hụt trăm bề.
Thời gian qua đi, khi người em đã 17 tuổi, họ rời nhau mỗi người đi một hướng và hẹn 5 năm sau sẽ gặp lại. Rồi 5 năm cũng trôi qua, khi gặp lại nhau, người em kể mình đã học và lấy được tấm bằng đại học cho dù phải đi quét tuyết, rửa bát để lấy tiền đóng học. Người anh nhìn em với ánh mắt thương hại: "Sao em gày quá thế, làm thì phải ăn chứ. Ăn uống là thứ khoái khẩu nhất trên đời mà sao phải hãm lại. Việc học, theo anh không cần thiết, em trông anh đây này...". Rồi họ lại chia tay.
Sau nhiều năm phiêu bạt, khi đã trung tuổi, họ tìm về với nhau. Người em giờ đã là một kiến trúc sư và có một công ty riêng đàng hoàng, cuộc sống thật sự đầy đủ, còn người anh trở nên nghiện ngập từ khi nào không hay, tay trắng vẫn hoàn trắng tay, công việc thuê mướn cũng chỉ đủ tiền để thỏa mãn cơn say. Nhìn thấy em giờ đây không giống như lần gặp trước, người anh hỏi nhỏ: "Em khấm khá nhanh thế là nhờ đâu?" - "Nhờ vào việc nhịn ăn để học anh ạ", người em đáp. Người anh nhìn lại mình nhơ nhuốc, tiều tụy, thấy tủi hổ vô cùng.
Rõ ràng, người nhận thức đúng thì biết lấy cảnh khổ, sự đói nghèo làm động lực để vươn tới ấm no. Ngược lại, người không biết vươn lên thì sự đói nghèo sẽ là một vực thẳm tăm tối không có đường ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.