(HNM) - Nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 của Hiệp hội 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc đã được tổ chức (trong ba ngày, từ 27-11), tại thủ đô Budapest, Hungary.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 CEEC - Trung Quốc. |
Trước sự hiện diện của các nhà lãnh đạo đến từ 16 nước Trung và Đông Âu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định cơ chế hợp tác giữa hai bên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cả Trung Quốc và các quốc gia Trung và Đông Âu đều có thế mạnh riêng, có thể bổ sung và thúc đẩy nền kinh tế của nhau nhờ hợp tác song phương. Cơ chế này phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, Trung Quốc hy vọng sẽ mang lại kết quả tích cực trong thời gian tới. Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết Bắc Kinh sẽ cấp hơn 3 tỷ USD cho các dự án đầu tư và phát triển tại Trung Âu và Đông Âu.
Hội nghị Thượng đỉnh 16 nước CEEC và Trung Quốc (hay còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh 16 + 1) là ý tưởng của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất. Đây là sáng kiến đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm mở rộng và thúc đẩy hợp tác với 16 nước Trung và Đông Âu trong các lĩnh vực: Đầu tư, giao thông - vận tải, tài chính, khoa học, giáo dục và văn hóa.
Để hiện thực hóa, Trung Quốc dự kiến đầu tư hàng tỷ USD xây dựng các công trình hạ tầng như cảng biển, đường sắt và đường bộ dọc theo Con đường tơ lụa cổ nối quốc gia này với Châu Âu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 tổ chức ở Latvia tháng 11-2016, các nhà lãnh đạo 17 nước đã thông qua Tuyên bố Riga tái khẳng định sự ủng hộ đối với sáng kiến của Trung Quốc nhằm kết nối hai khu vực. Chính vì thế, hội nghị lần này sẽ cụ thể hóa các bước thực hiện dự án hợp tác chung, điển hình là dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt Budapest - Belgrade.
Trong những năm qua, cơ chế hợp tác “16 + 1” giữ vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và các nước khu vực Trung - Đông Âu từ đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế cho đến trao đổi văn hóa. Các nước Trung - Đông Âu cũng gia tăng vị thế với Brussels khi chứng tỏ khả năng thiết lập cơ chế hợp tác riêng với Trung Quốc và theo đuổi chính sách đối ngoại chủ động với các cường quốc ngoài Liên minh Châu Âu (EU). Các nước Trung - Đông Âu đã thu hút được sự quan tâm đầu tư không chỉ từ các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn từ các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định việc 16 nước Trung - Đông Âu tham dự hội nghị là động lực thúc đẩy nền kinh tế Châu Âu và Châu Âu cần hợp tác với một nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc. Với nguồn lực dồi dào cả về công nghệ lẫn tài chính, Thủ tướng V.Orban tin tưởng, Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia Trung - Đông Âu.
Theo các nhà phân tích, việc Bắc Kinh rót tiền vào Trung - Đông Âu một mặt giúp Trung Quốc thực hiện chiến lược tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực này để tiến sâu vào EU, tạo hành lang kinh tế Á - Âu. Mặt khác, việc thiết lập diễn đàn 16 + 1 là cơ hội để Trung Quốc tăng cường quan hệ với các quốc gia Trung - Đông Âu, cũng như kết nối với Châu Á, Châu Phi và Châu Âu thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.
Từ đó, tạo "bàn đạp" để Trung Quốc thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường EU rộng lớn, trở thành đối trọng kinh tế cạnh tranh của EU. Hơn thế, việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào các quốc gia nằm ở vị trí cửa ngõ của EU diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi hạn chế tiếp nhận đầu tư từ Bắc Kinh.
Dù cách xa nhau về địa lý nhưng Trung Quốc và các nước Trung - Đông Âu đã thiết lập một nền tảng hợp tác xuyên khu vực. Đây là một phần của quá trình toàn cầu hóa đang thực sự phát huy ảnh hưởng ở mọi nơi trên thế giới. Mô hình hợp tác này sẽ làm cho thế giới trở nên cởi mở và công bằng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.