Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự hòa quyện của chất thơ và lý trí

Hải Giang| 09/02/2015 06:25

(HNM) -



"Huệ tím"- tên của một truyện ngắn trong sách và cũng là tên của tập truyện - biểu tượng của hạnh phúc mà con người hằng tìm kiếm, lối đi về với tuổi thơ trong sáng. Dịch giả Thái Kim Lan, một nhà văn người Việt hiện sinh sống tại Đức, từng đoạt nhiều giải thưởng văn học ở Đức và Việt Nam, đã thực sự dành tâm huyết cho gần 200 trang sách không dễ chuyển tải này. Bà chia sẻ: "Đối với Hermann Hesse, trẻ - già gần nhau như bóng với hình, trong trẻ đã có già và trong già không được mất trẻ. Tìm lại được tuổi thơ là tìm lại được giá trị đích thực của đời người".

"Chuyện chàng Augustus" là một lời thủ thỉ đáng giật mình. Một lời cảnh tỉnh dữ dội cho cuộc sống hiện tại, nhất là cho sự chăm sóc giáo dục của phụ huynh với con em ở đô thị, những đứa trẻ được bao bọc trong sự đủ đầy. Một người mẹ nhận được điều ước duy nhất từ ông già Binsswanger - người láng giềng và cũng là cha đỡ đầu cho đứa con trai của bà. Với lòng yêu thương con vô hạn như bất cứ bà mẹ nào trên thế gian này, bà thì thầm vào tai con: "Mong rằng con sẽ được tất cả mọi người yêu mến". Nhưng, bà mẹ ấy quên dạy con một điều, rằng "nếu được người yêu thì con nên biết yêu người" bởi "yêu người" có thể đem lại niềm vui lớn hơn khi chỉ được người yêu. Augustus đã lớn lên trong sự thừa mứa tình yêu thương, đến nỗi "con tim chàng không có niềm vui nào nữa và tâm hồn chàng không thấy có một chút âm hưởng từ cái thứ tình yêu không cầu mà có, không đòi mà đến và không tốn công mà được". Trong cơn chán chường cùng cực, Augustus đã xin một điều ước cuối cùng từ ông già hiền hậu Binsswanger, rằng "xin cha hãy cho con có thể yêu thương mọi người".

Hầu như mọi câu chuyện đều có sự kết nối với tuổi thơ. Cái tuổi thơ thần tiên, kỳ ảo, giản dị mà cũng đầy năng lượng. Cái tuổi thơ mà theo tác giả là "ấn định cả cuộc sống chung và riêng của con người với mọi người, với vạn vật xung quanh...".

Có thể tìm thấy tính triết lý giản dị mà thuyết phục ẩn sau mỗi câu chuyện cổ tích hiện đại này. Cổ tích mà không có hoàng tử, công chúa, nhưng còn nguyên mối tương quan giữa kẻ phàm và người tiên, giữa mộng và thực, giữa khổ đau và hạnh phúc để tạo ra những bối cảnh hấp dẫn, lôi cuốn người đọc và rất gần với trí tưởng tượng vô hạn của con trẻ.

Truyện "Bích Thảo hóa thân" kéo ta vào một cuộc kiếm tìm, hỏi - đáp: "Hạnh phúc ở đâu?", "Hạnh phúc ở mọi nơi, trên núi dưới đồi, trong hoa đua nở...". "Hạnh phúc là khi được hóa thân mà không bị xơ cứng, già nua", và đặc biệt là "Không có hạnh phúc cho riêng mình mà là hạnh phúc với nhau". Những điều ấy liệu có khô khan với trẻ em hay không? Có lẽ không, bởi vì triết học là cuộc sống, mà hiện thân nguyên sơ nhất của đời sống là tâm hồn trẻ thơ. Nó cũng sẽ không gượng ép nếu như mỗi thông điệp được chuyển tải nhuần nhuyễn trong một câu chuyện cổ tích với lối kể vừa đầy chất thơ vừa đầy lý trí. Nhưng, chắc chắn, nó sẽ có được sự cộng hưởng lớn hơn nếu con trẻ đọc truyện cùng cha mẹ hay lắng nghe cha mẹ đọc.

Gấp trang sách lại, cảm nhận đúng như dịch giả Thái Kim Lan đã chia sẻ: "Khi đọc và dịch truyện cổ tích Hesse, hơn một lần tôi gặp lại tuổi thơ, trong căn nhà tối mênh mông với ngọn đèn dầu, trong lòng bà nội, vườn sau cửa sổ có thể trời đang mưa hay trăng đang sáng...".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự hòa quyện của chất thơ và lý trí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.