(HNM) - Suốt hơn 30 năm qua, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Lệ Giang - giảng viên đàn bầu Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã đem tiếng đàn bầu đến hơn 80 quốc gia trên thế giới. Mỗi lần biểu diễn đàn bầu ở nước ngoài, Nghệ sĩ ưu tú Lệ Giang trở thành một “sứ giả văn hóa”, giúp bạn bè khắp năm châu thêm hiểu, thêm yêu văn hóa Việt Nam.
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Lệ Giang sinh năm 1979 trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Hà Nội. Chị bắt đầu theo học đàn bầu từ lúc 10 tuổi, khi tình cờ xem biểu diễn đàn bầu trong một chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc trên truyền hình. Được Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tâm (nguyên Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) dìu dắt, truyền tình yêu, niềm đam mê với cây đàn bầu, cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, Nghệ sĩ ưu tú Lệ Giang đã phát huy được khả năng, tiếng đàn ngày càng điêu luyện, say lòng người. Thành quả ấy được thể hiện qua các giải thưởng, như: Huy chương vàng cá nhân và Huy chương bạc tập thể tại Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2017; Huy chương vàng cá nhân và Huy chương vàng tập thể tại Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020…
Từ năm 2003, khi trở thành giảng viên của Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ Lệ Giang đã tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình quan trọng của Đảng, Nhà nước; tham gia biểu diễn khai mạc trong nhiều sự kiện quan trọng diễn ra tại Việt Nam. Gần đây nhất là tại Lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Nghệ sĩ ưu tú Lệ Giang đã để lại ấn tượng sâu sắc với tiết mục "Đường đến Việt Nam" kết hợp giữa tiếng đàn bầu và tiếng đàn violon của Nghệ sĩ ưu tú Bùi Công Duy. Ngoài ra, chị còn góp mặt trong nhiều chương trình Ngày văn hóa Việt Nam tại các nước Mỹ, Mexico, Anh, Hy Lạp, Italia, Nga…
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Lệ Giang cũng là người luôn đau đáu với những giá trị truyền thống đang dần bị mai một, ít được các bạn trẻ quan tâm. “Muốn người trẻ biết đến âm nhạc truyền thống nói chung, đàn bầu nói riêng, chúng ta cần tổ chức thêm nhiều chương trình để họ dễ tiếp cận, thẩm thấu như giao lưu, gameshow..., hoặc thử nghiệm kết hợp yếu tố truyền thống với đương đại”, nghệ sĩ Lệ Giang chia sẻ. Bên cạnh công tác giảng dạy, biểu diễn, để lan tỏa tiếng đàn bầu dân tộc, nghệ sĩ Nguyễn Thị Lệ Giang đã ra mắt 2 CD âm nhạc mang tên “Hòa tấu đàn bầu các bài dân ca Việt Nam” và “Lắng tai nghe… đàn bầu”. Trong đó CD “Lắng tai nghe… đàn bầu” có những tác phẩm biểu diễn theo phong cách chèo, cải lương, ca Huế, đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam kết hợp với các tác phẩm mới.
Nhận xét về học trò của mình, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Tâm cho rằng: “Tiếng đàn của Nguyễn Thị Lệ Giang không chỉ mềm mại, bay bổng, mà còn đầy khát vọng, cá tính, chinh phục được trái tim của nhiều khán, thính giả trong và ngoài nước”. Còn Nghệ sĩ ưu tú (đàn bầu) Nguyễn Quang Hưng nhận định: “Tiếng đàn bầu của nghệ sĩ Nguyễn Thị Lệ Giang đẹp và mang đậm tâm hồn người phụ nữ Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.