Phần mềm học tập là những loại đĩa cài chương trình kiến thức, bài kiểm tra, bài thi trắc nghiệm, clip giảng bài của giáo viên vào trong máy tính. Với cách học tập mới mẻ và hiện đại này, học sinh (HS) dễ dàng tự học, tự kiểm tra kiến thức thường xuyên. Thế nhưng, các em có biết, sử dụng những phần mềm này có cả mặt hại không?
Em Nguyễn Minh Hà(HS lớp 9C, Trường THCS Giảng Võ):
- Hiện nay, có rất nhiều loại đĩa cài với đầy đủ môn học từ toán, văn, tiếng Anh đến lý, hóa, địa, sử… Ngoài phần mềm cho HS, còn có các phần mềm hỗ trợ giảng dạy, ngân hàng đề thi điện tử cho giáo viên. Trường em cũng áp dụng việc học tập và giảng bài trên máy tính, máy chiếu và em thấy cách học này rất hiệu quả. Tuy nhiên, em đã phát hiện một số phương pháp giải toán không phù hợp với kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa trong một phần mềm học tập môn toán. Vì máy móc đôi lúc cũng lập trình sai nên em nghĩ cần tham khảo ý kiến thầy, cô giáo trước khi chọn mua đĩa cài phần mềm học tập.
Em Trần Văn Minh (HS lớp 11A8, Trường THPT Đống Đa):
- Ở thời đại công nghệ thông tin, việc sử dụng phần mềm học tập cài trong máy tính rất hữu ích. Em nghe nói nhiều anh chị ôn thi ĐH bằng việc tự học, tự giải các đề thi thông qua các phần mềm ngân hàng đề thi, phần mềm ôn luyện bài trắc nghiệm. Tuy nhiên, việc sử dụng phần mềm máy tính có lẽ chỉ phù hợp với các bạn HS thành phố. Vì với những bạn HS tại các vùng nông thôn, việc có một chiếc máy tính nối mạng để cài phần mềm học tập là rất khó khăn. Hơn nữa, không phải HS nào cũng có điều kiện dùng máy tính riêng. Bản thân em đến đầu năm học lớp 10 mới được bố mẹ mua cho một chiếc máy tính để phục vụ việc học tập và giải trí. Nhiều bạn trong lớp em vẫn chưa có máy tính cá nhân để sử dụng.
Cô Hoàng Kim Thu (giáo viên dạy lý, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều):
- Theo tôi, các phần mềm hỗ trợ đem lại những ích lợi lớn cho cả học sinh và giáo viên bởi toàn bộ kiến thức đã được hệ thống hóa một cách rõ ràng, quy củ, mạch lạc. Với những em có ý thức học tập, việc dùng phần mềm sẽ nâng cao khả năng tự học và tính sáng tạo, giảm đi sự phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên.
Tuy nhiên, với những em HS khó tập trung, ý thức học tập kém, sử dụng phần mềm học tập dễ trở thành "con dao hai lưỡi". Khi học tập qua phần mềm, các em dễ bị xao nhãng bởi các chương trình giải trí khác trên máy tính. HS không quản lý được lượng bài tập đã làm, không sắp xếp được thời gian để hoàn thành các bài tập đó một cách hệ thống. Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều em HS, một số phần mềm học tập cũng có những lỗi kiến thức, phương pháp giải do lập trình. Do đó, các em cần kết hợp việc tự học qua phần mềm máy tính và trực tiếp trao đổi với thầy, cô giáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.