Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng đúng chữ Hán - Nôm

ANHTHU| 15/07/2005 07:40

Từ đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ thay thế dần Hán - Nôm. Theo thời gian, số người học hiểu thứ chữ xưa này hiếm dần. Gần đây, việc học chữ Hán-Nôm đang có cơ phát triển. Nhiều người lấy việc thưởng ngoạn thư pháp bằng chữ Hán-Nôm làm thú vui. Điều đáng tiếc là do thiếu kiến thức tối thiểu về loại chữ này nên khi sử dụng nhiều nơi đã để xảy sai sót, gây phản cảm.

Từ đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ thay thế dần Hán - Nôm. Theo thời gian, số người học hiểu thứ chữ xưa này hiếm dần. Gần đây, việc học chữ Hán-Nôm đang có cơ phát triển. Nhiều người lấy việc thưởng ngoạn thư pháp bằng chữ Hán-Nôm làm thú vui. Vì thế, cùng với các hoành phi câu đối, cuốn thư có từ trước ở các đình, chùa, nhà thờ họ vàtư gia, nay có thêm tác phẩm thư pháp mới. Điều đáng tiếc là do thiếu kiến thức tối thiểu về loại chữ này nên khi sử dụng nhiều nơi đã để xảy sai sót, gây phản cảm.

Cách đây mấy năm, một lần qua cửa hàng mỹ nghệ ở phố Tràng Tiền, tôi thấy trong tủ kính có bầy một cái đĩa gốm, lòng đĩa có mấy chữ Hán khá đẹp. Dừng ngắm mấy giây, tôi phát hiện chiếc đĩa bị đặt ngược. Tôi mạnh dạn góp ý, nhân viên cửa hàng vui vẻ đặt lại chiếc đĩa và nói: “May quá bác ạ, lát nữa có người Hồng Kông, Đài Loan qua đây, nếu thấy họ cười cho mất !”

Trước đây, các cụ đồ thường viết mực Tàu trên giấy bản. Giấy bản gập đôi, đóng quyển, chữ viết ở hai mặt. Các sách này do sử dụng lâu, mép giấy sờn rách đã tách tờ giấy làm đôi, mặt sau hiện rất rõ các hàng chữ ngược. Gần đây, có việc đến một thư viện lớn ở Hà Nội, tôi thấy trong tủ kính có bày 4-5 cuốn sách Hán-Nôm mới sưu tầm. ở mỗi quyển, người ta lật giở hai trang trong để bạn đọc thưởng thức thuật viết chữ của người xưa. Do cẩu thả, hoặc không phân biệt được “phải, trái” nên người có trách nhiệm giở mặt chữ trái ra ngoài. Trong chương trình “Danh nhân đất Việt” (Đài THVN phát lúc 22h ngày 21- 6) nói về công tích của ông Trạng làng Bùng - Phùng Khắc Khoan, máy quay dừng lại khá lâu trước các mặt chữ trái của tập “Sứ Hoa thi tập”. Như thế, thật không ổn tý nào.

Hơn 10 năm trở lại đây, việc tôn tạo di tích diễn ra khá rầm rộ. Đình, chùa dựng xong được nhà hảo tâm công đức nhiều đồ thờ tự. Thật khó thống kê đã có bao nhiêu câu đối, hoành phi được làm mới. Do nhận thức giản đơn, người ta nhờ cả người mới học chữ Nho viết. Theo mẫu, chữ được đắp bằng nề vôi lên cổng đình, cổng chùa hoặc khắc lên gỗ rồi sơn son thếp vàng. Cuối tháng tư vừa qua, nghệ nhân Nguyễn Đức Chỉnh và tôi có đến thăm một ngôi đình mới dựng ở huyện Gia Lâm. Tại đây, có mấy chục câu đối được làm theo hai cách vừa nêu. Chỉ đọc lướt đã thấy ngay chữ viết vừa sai vừa xấu, cả ý đối nhau cũng không chuẩn. Lạ hơn, tại xà ngang trước hậu cung có treo bức cuốn thư khắc nổi 4 chữ “ Tí quốc hộ dân”, đáng lẽ phải viết “ Hộ quốc tí dân” ( giúp nước và che chở cho dân) mới đúng. Tìm hiểu thì được biết, để tiện cho việc khắc, thợ đã cắt rời 4 chữ trên rồi dán lên gỗ để khắc theo nhưng do không biết chữ, người ta đã xếp nhầm vị trí các chữ này.

Câu đối chữ Hán phải đọc từ phải sang trái, thông thường vế đối chữ cuối vần trắc treo ở bên phải; chữ cuối vần bằng treo ở bên trái (cá biệt có trường hợp dùng bằng trước, trắc sau). ở phía ngoài cùng vế phải có lạc khoản đề niên hiệu; dòng chữ phía ngoài bên trái đề chức tước người cung tiến hoặc người viết. Ngoài ra, ở một phần ba phía trên câu đối thường khắc hoa văn hình triện; khi treo, những hoa văn ở hai vế phải đăng đối. Do không nắm được nguyên tắc, một số người đã vô tình treo ngược vế đối. Điều này từng xảy ra ở đền Ngọc Sơn, đền Sóc và một số đình chùa, tư gia.

Chơi chữ là thú chơi tao nhã, đậm chất trí tuệ. Mỗi tác phẩm không chỉ thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật thư pháp mà còn thể hiện ước nguyện của người xưa gửi cho mai sau. Vì thế, câu đối chữ Hán-Nôm ở các gia đình không chỉ được treo đúng vị trí mà cả nội dung cũng cần được dịch nghĩa để ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu.

Để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc vừa nêu, thấy rõ việc viết chữ cần phải do các vị túc Nho thực hiện. Chỉ có như thế mới thực sự tô thêm vẻ đẹp văn hóa của đất văn hiến nghìn năm.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng đúng chữ Hán - Nôm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.