Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng băng tần hiệu quả, thúc đẩy phát triển hạ tầng số

Việt Nga| 26/11/2022 07:27

(HNM) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư vừa qua. Luật được ban hành với mục tiêu giúp việc quản lý, sử dụng tần số có hiệu quả, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Văn Tuấn về vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ngày 9-11. Ảnh: Đức Huy

- Xin ông cho biết rõ hơn về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện?

- Luật sửa đổi lần này đã hoàn thiện đồng bộ các quy định, từ lập, ban hành quy hoạch tần số đến việc cấp phép tần số, để quản lý, sử dụng tần số hiệu quả hơn. Chẳng hạn, quy định về giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần di động công cộng mặt đất mà một tổ chức được cấp phép sử dụng, nhằm tránh tích tụ tần số, bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho thị trường viễn thông.

Trường hợp nào cấp phép thông qua đấu giá, trường hợp nào thông qua thi tuyển, trường hợp nào thông qua cấp trực tiếp đã được làm rõ. Cùng với đó, doanh nghiệp phải cam kết triển khai mạng viễn thông khi tham gia đấu giá, hoặc thi tuyển, cấp lại giấy phép sử dụng băng tần; nếu vi phạm cam kết sẽ bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Luật cũng bổ sung khoản thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần di động, góp phần cụ thể hóa chính sách về quản lý sử dụng tài sản công đối với tần số vô tuyến điện…

- Việc làm rõ tiêu chí đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp băng tần sẽ giúp các nhà mạng sớm có băng tần phát triển dịch vụ 4G và 5G, thưa ông?

- Luật Tần số vô tuyến điện 2009 quy định băng tần đấu giá theo tiêu chí “băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ”. Nội dung này định tính, gây khó khăn trong việc lựa chọn, xác định băng tần để đấu giá. Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã bổ sung, làm rõ, băng tần đấu giá là “băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất”. Với quy định này, những băng tần sẽ phải tổ chức đấu giá để thiết lập mạng di động đã được định lượng cụ thể, như băng tần 2,3 GHz; 2,6 GHz; 3,6 GHz, 700 MHz. Như vậy, các nhà mạng có điều kiện phát triển dịch vụ 4G, 5G.

Cũng phải nói thêm, một quy định rất mới của luật, được Quốc hội bỏ phiếu biểu quyết riêng, đó là quy định trong trường hợp đặc biệt, băng tần được cấp trực tiếp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Theo đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, lấy ý kiến các bộ liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với tần số sử dụng để phát triển kinh tế như các doanh nghiệp khác và chịu sự kiểm tra, thanh tra trực tiếp của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc thực hiện đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Việc đấu giá băng tần 2,3 GHz có được sớm triển khai để nhà mạng có băng tần chuẩn cung cấp dịch vụ bảo đảm chất lượng tới khách hàng?

- Hiện tại, Cục Tần số vô tuyến điện đang tích cực chuẩn bị các thủ tục, quy trình đấu giá băng tần 2,3 GHz, như xác định giá khởi điểm, phương án đấu giá, tổ chức đấu giá… Dự kiến quý II-2023, việc đấu giá được tổ chức để sớm cấp phép cho nhà mạng sử dụng băng tần này cung cấp dịch vụ 4G tới khách hàng.

- Theo ông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sẽ tác động đến những đối tượng nào?

- Với 5 nhóm chính sách lớn và các vấn đề có liên quan được sửa đổi, bổ sung, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sẽ có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng sử dụng tần số. Trong đó có 3 nhóm đối tượng chính, đó là nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động. Việc sửa đổi, bổ sung quy định về cho phép cấp lại giấy phép sử dụng băng tần sau khi hết hạn, giúp doanh nghiệp ổn định kinh doanh, yên tâm đầu tư phát triển công nghệ mới.

Nhóm tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên cũng nhận được tác động tích cực khi đến ngày 1-7-2024, việc đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên chính thức được xã hội hóa, để các doanh nghiệp thực hiện thay cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian cấp chứng chỉ khai thác viên vô tuyến điện được rút ngắn.

Nhóm các doanh nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm phát triển công nghệ mới cũng được hưởng lợi khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã bổ sung quy định cho phép cấp phép sử dụng các tần số ngoài phạm vi quy hoạch để phục vụ những mục đích này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng băng tần hiệu quả, thúc đẩy phát triển hạ tầng số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.