(HNM) - Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 là cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt, anh dũng của quân và dân ta, đánh bại cuộc tập kích đường không của Mỹ vào Hà Nội và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Trong đó, với vai trò là lực lượng phòng không nòng cốt bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Sư đoàn Phòng không 361 cùng với các lực lượng khác đã góp phần to lớn cùng nhân dân miền Bắc làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
1. Ngày 16-3-1967, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định đổi phiên hiệu Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội thành Sư đoàn Phòng không 361 (Sư đoàn 361); là lực lượng làm nòng cốt, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ.
Đầu xuân năm 1968, Bác Hồ đã nói với Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Phùng Thế Tài và Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Đặng Tính như một lời tiên tri: “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”... Ngay từ thời điểm này, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361 (Đoàn phòng không Hà Nội) bắt đầu đi sâu nghiên cứu cách đánh máy bay B-52.
Sau 6 tháng leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ngày 23-10-1972, chính quyền R.Nixon tuyên bố tạm ngừng ném bom đánh phá từ vĩ tuyến 20 trở ra và dự kiến sẽ ký Hiệp định Paris vào ngày 31-10-1972. Thực tế đây chỉ là trò lừa bịp để người dân Mỹ bỏ phiếu cho R.Nixon làm Tổng thống nhiệm kỳ hai.
Cuối tháng 11-1972, Đảng ủy Sư đoàn 361 ban hành Nghị quyết “Bốn khẳng định”. Đó là: Dù khả năng nào xảy ra thì diễn biến tình hình cũng rất phức tạp; địch nhất định đánh trở lại Hà Nội với mức độ ác liệt; máy bay B-52 nhất định được dùng ném bom Hà Nội; nhưng khi đánh lại Hà Nội, địch nằm trong thế thua, thế yếu, thế bị động, ta nhất định có điều kiện, có khả năng bắn rơi tại chỗ B-52. Biến nghị quyết của Đảng ủy Sư đoàn thành hành động cụ thể, các đơn vị tên lửa, cao xạ phát động phong trào “Mười ngày nâng cao chất lượng huấn luyện” dành riêng cho huấn luyện đánh B-52. Các phân đội thi đua giành danh hiệu “kíp chiến đấu giỏi”, “phiên ban giỏi”, “tiểu đoàn mạnh”, “trung đoàn mạnh”... Không khí chuẩn bị đánh B-52 diễn ra khẩn trương.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tổng Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân, qua nghiên cứu, rút kinh nghiệm cụ thể, tỉ mỉ, kịp thời kinh nghiệm đánh B-52 của các đơn vị bạn trong chiến trường Khu IV, nhất là kinh nghiệm của Trung đoàn 263, Sư đoàn 361 đã dày công nghiên cứu và đi đến nhận định B-52 sẽ đánh vào Hà Nội theo 5 hướng, trong đó Tây Bắc là hướng chủ yếu. Trên cơ sở đó, Sư đoàn đã điều chỉnh lực lượng tên lửa từ bố trí một số tiểu đoàn đón lõng vòng ngoài phục kích đánh địch về bố trí ôm sát mục tiêu bảo vệ để đánh địch từ nhiều hướng; điều chỉnh mục đích, từ lấy tiêu diệt địch trước tuyến cắt bom bảo vệ mục tiêu, sang lấy tiêu diệt máy bay địch là chính; kiên quyết bắn rơi nhiều B-52, bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái. Lực lượng pháo phòng không 3 thứ quân vừa đánh máy bay chiến thuật bảo vệ mục tiêu và kiên quyết bảo vệ tên lửa, trong đó, lực lượng pháo phòng không 100mm tham gia đánh B-52.
Đồng thời, Sư đoàn 361 tập trung vào việc điều chỉnh lực lượng, đội hình chiến đấu; triển khai sở chỉ huy dự bị các cấp; huấn luyện các kíp chiến đấu; tiến hành công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đấu đánh địch tập kích đường không.
2. Về bố trí lực lượng tên lửa bảo vệ Thủ đô, khi bước vào chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972 chỉ có 2 trung đoàn (267, 261 của Sư đoàn 361), sau đó được tăng cường thêm 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 285 và 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 274. Ngoài ra, còn có 5 trung đoàn pháo cao xạ (212, 220, 244, 260, 221) hiệp đồng chặt chẽ với không quân tiêm kích, lực lượng các trạm ra đa của các Trung đoàn 291, 292, 293, pháo phòng không của dân quân tự vệ Thủ đô tạo thành lưới phòng không nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ Thủ đô...
Trong chiến dịch phòng không cuối tháng 12-1972, với tinh thần chủ động tiến công, ngay trận đầu của chiến dịch, đêm 18-12-1972, Tiểu đoàn 78 (Trung đoàn 257) phóng quả đạn đầu tiên vào tốp B-52 của địch; Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261) đã bắn rơi tại chỗ 1 B-52 tại cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn. Từ chiến công đầu đã củng cố thêm niềm tin chiến thắng, thôi thúc các trận địa thi đua lập nhiều chiến công.
Đêm 20 rạng sáng 21-12-1972, bộ đội tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện các trận đánh xuất sắc, chỉ với 35 quả đạn đã bắn rơi 7 chiếc B-52 (5 chiếc rơi tại chỗ). Tiêu biểu là trận đánh lúc 5h04 - 5h20, 3 tiểu đoàn (57, 77, 79) chỉ trong 16 phút với 6 quả đạn đã bắn rơi 4 chiếc B-52 (3 chiếc rơi tại chỗ). Riêng Tiểu đoàn 57 với 2 quả đạn cuối cùng, trong 10 phút đã bắn rơi 2 B-52.
Chiến công nối tiếp chiến công, đêm 26-12-1972, Sư đoàn 361 bắn rơi 5 B-52; đêm 27-12-1972, bắn rơi 4 B-52; đêm 28 và 29-12-1972, bắn rơi thêm 3 chiếc B-52. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, riêng Sư đoàn 361 bắn rơi 29 máy bay, trong đó có 25 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ) diệt và bắt sống nhiều giặc lái, đập tan mưu đồ của đế quốc Mỹ trong chiến dịch Linebacker II.
Đặc biệt, đã bảo vệ được mục tiêu trọng yếu như các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa ở Hà Nội.
Trong cuộc chiến đấu ác liệt đầy hy sinh gian khổ đã tô đậm thêm tình cảm đoàn kết quân, dân giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, các địa phương đối với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361. Đó là sự chi viện giúp đỡ đắc lực của chính quyền, nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân, nhất là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã dành cho Sư đoàn 361 tất cả những gì mình có, để góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang đó. Như cố Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng nói: “Bộ đội phòng không Hà Nội là con em nhân dân Thủ đô Hà Nội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội làm hết sức mình phục vụ cho bộ đội phòng không chiến đấu thắng lợi”.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó dự đoán. Sư đoàn 361 luôn xác định là lực lượng nòng cốt trong thế trận phòng không nhân dân sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời bảo vệ Thủ đô Hà Nội - trái tim của Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, từ bài học lịch sử chiến thắng 12 ngày đêm tháng 12-1972, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361 luôn xác định đó là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm cao cả, để mãi mãi xứng đáng với truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ về các tình huống trên không. Tích cực nghiên cứu phương thức tác chiến đường không mới, các vấn đề an ninh phi truyền thống để xây dựng phương án chiến đấu mới phù hợp. Thường xuyên đoàn kết chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền, gắn bó máu thịt với nhân dân nơi đóng quân, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân. Ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng sư đoàn vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiên tiến, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân Thủ đô và truyền thống anh hùng của lớp lớp cha anh xây đắp nên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.