Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự dang dở giàu cảm xúc

Hà Dương| 26/12/2013 06:30

(HNM) -


Ra đời năm 1953, do đạo diễn William Wyler dàn dựng, "Kỳ nghỉ hè ở Roma" đã giành 3 giải Oscar năm 1954, trong đó có giải cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Câu chuyện về nàng công chúa Ann này cũng được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn bảo tồn trong Viện Lưu trữ phim quốc gia Mỹ với những giá trị về "văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ", đồng thời lọt vào danh sách 100 phim tình cảm hay nhất do Viện phim Mỹ (AFI) bình chọn. Đương nhiên, "Kỳ nghỉ hè ở Roma" cũng có mặt trong bộ sưu tập tuyệt phẩm điện ảnh thế giới của nhà sưu tập phim Lưu Nghiệp Quỳnh ở Việt Nam.



Công chúa Ann có chuyến công du một loạt các nước Châu Âu. Đẹp, quý phái và trong trẻo, Ann trở thành tâm điểm chú ý của các quốc gia mà cô đi qua. Dừng chân ở Roma, bắt đầu một sự chán ghét không khí ngột ngạt của cuộc sống cung đình, nghi lễ, cô chốn ra khỏi tòa nhà đại sứ… 24 giờ phiêu lưu ngoài thành Roma, Ann tình cờ gặp Joe Bradley (Gregory Peck thủ vai) - phóng viên của một hãng thông tấn Mỹ. Những giờ phút khám phá Roma, khám phá cuộc sống và vẻ đẹp thường nhật bắt đầu khi cả hai đều cố giấu tung tích (chỉ Joe Bradley là phát hiện ra thân phận của Ann và nuôi ý định về một bài báo cùng bộ ảnh có một không hai về nàng công chúa danh giá). Nhưng tình yêu đã đến, vượt lên mọi toan tính và những lý lẽ thông thường. William Wyler đã đặt tất cả trong sự im lặng - về thân thế của hai người, sự chọn lựa và quyết định đầy day dứt… Cao trào nằm ở hai trường đoạn, khi Ann (trong căn hộ nhỏ của Joe) nói về cuộc sống thường nhật mà cô mơ ước, được làm bếp, lau nhà, ủi đồ… Và, nhất là khi họ nói lời chia tay ở góc quanh gần tòa đại sứ, trong nước mắt, những cái hôn dài và sự im lặng ngạt thở…

Bất ngờ đến khi Ann gặp lại Joe Bradley vào ngày hôm sau, trong cuộc họp báo. Cuộc giao tiếp không lời và cả những gửi gắm riêng tư của họ ẩn sau nghi lễ ngoại giao là một sự dồn nén có nhờ sức sáng tạo tuyệt vời nữa của đạo diễn. Trong bộ phim này có đầy đủ cảm xúc, hài hước, lãng mạn không thể hơn, rung động mạnh mẽ và âm thầm nuối tiếc…

Tại sao một câu chuyện khá giản dị (xét ở bối cảnh và kinh phí sản xuất của phim truyện điện ảnh) lại có sức lay động và tạo dư ba xuyên thế kỷ như vậy?

Thật ra, câu chuyện tình yêu ở đây đã được đặt trong một dòng mạch có sức lay động như sóng ngầm cảm xúc của nhân loại, không kể thời đại, nền văn hóa nào. Như tờ NewYork Times thì đó là những "ngang trái của lòng người". Và, như công chúa Ann trả lời trước sự trách móc của Hoàng gia, "nếu không nghĩ đến trách nhiệm với hoàng tộc, với đất nước, tôi sẽ không trở về tối nay và có thể sẽ không bao giờ trở về nữa!". Có giống như cuộc chia tay trong "Casablanca", như nỗi ám ảnh trong "Người tình", hay sự giằng xé trong "Tiếng chim hót trong bụi mận gai"…? Mỗi câu chuyện một lý do cho sự dang dở nhưng tất thảy đều có chung nỗi niềm day dứt giữa khát vọng, hạnh phúc riêng tư với những trách nhiệm, bổn phận, thậm chí chỉ là một ham muốn khác, những thứ đã luôn và sẽ tiếp tục tạo ra những "ngang trái" của lòng người.

Một khán giả đã có nhận xét sâu sắc khi cho rằng: Thật may mắn vì dự định làm tiếp phần hai của đoàn phim đã mãi mãi không thành! Dang dở, nhưng câu chuyện tình yêu này đã ngân vang cảm xúc của nó trong lòng người xem, không ngừng nghỉ suốt 6 thập niên qua. Một minh chứng cho thấy điện ảnh không phải lúc nào cũng là câu chuyện của công nghệ và kinh phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự dang dở giàu cảm xúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.