Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự cố ở Thủy điện Sông Tranh 2: Không thể coi thường

Đặng Loan - Đan Nhiễm| 21/03/2012 06:34

(HNM) - Trong khi Ban Quản lý dự án (QLDA) Thủy điện 3 tiếp tục khẳng định vết nứt của Thủy điện Sông Tranh 2 không ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì các nhà khoa học đang lo lắng và cho rằng không thể xem thường vấn đề này.

 Nước tuôn như thác qua khe nứt phía nam cửa xả.

Thân đập chính xuất hiện hai vết nứt lớn. Ảnh: Trí Tín


Người dân bất an

Ngày 20-3, UBND huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục gửi văn bản thứ hai đến UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị chỉ đạo các ngành liên quan vào cuộc kiểm tra các vết nứt và chất lượng công trình để tránh rủi ro hiểm họa cho người dân. Theo ông Lê Văn Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện, dù nhận được văn bản trả lời của Ban QLDA Thủy điện 3 ngày 19-3, khẳng định vết nứt là khe nhiệt và nước thấm ở các vết nứt nằm trong độ an toàn cho phép và không ảnh hưởng chất lượng công trình, nhưng UBND huyện vẫn không an tâm. Ông Tuấn lý giải, vì Ban QLDA Thủy điện 3 là đại diện cho chủ đầu tư nên khó có thể nhận xét khách quan về chất lượng công trình của mình. Chính vì vậy, UBND huyện Bắc Trà My đề nghị có đơn vị kiểm tra độc lập về chất lượng công trình để trả lời cho người dân và có hướng xử lý đúng đắn. Theo ông Tuấn, hiện UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chuyên môn đi kiểm tra hiện trạng công trình.

Ghi nhận trên công trường ngày hôm qua (20-3) cho thấy, nước vẫn tiếp tục chảy qua các vết nứt trên thân đập, tuy nhiên không thấy có công nhân xử lý các vết thấm như ngày trước đó. Trong khi đó, người dân đang tỏ ra rất lo lắng. Ông Trần Văn Nga (xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) cho biết, người dân ở đây vẫn rất lo sợ, hoang mang bởi hồ thủy điện này như túi nước treo trên đầu, nhỡ có sự cố thì không chạy kịp. Ông Tuấn cho biết, chiều 20-3, UBND huyện đã có văn bản đề nghị người dân vùng hạ lưu công trình thủy điện này bình tĩnh vì cơ quan chức năng đang có hướng xử lý an toàn cho bà con.

Sáng 20-3, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đi kiểm tra đập thủy điện, sau đó tổ chức họp. Tuy nhiên, đơn vị này từ chối trả lời báo chí về kết quả kiểm tra cũng như thông tin cuộc họp. Khi được hỏi về phương án xử lý các vết thấm, ông Trần Văn Hải, Trưởng ban QLDA Thủy điện 3 chỉ nói ngắn gọn, rằng vết thấm nằm trong tầm kiểm soát và đó chỉ là những điểm nhỏ của công trình mà đơn vị thi công đang xử lý bình thường nên không có phương án gì cả.

Giới khoa học lo lắng

Chiều 20-3, GS-TS Nguyễn Đình Xuyên (nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu) cho rằng, cần phải sớm thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá "sự cố" đập Thủy điện Sông Tranh 2. Cụ thể là xem vết nứt do yếu tố nội sinh (bê tông) hay ngoại sinh (động đất). Nếu là yếu tố ngoại sinh hoặc kết hợp cả hai thì rất nguy hiểm. Do đập được xây dựng trên nền đá nên vết nứt do sự đè nén cũng cần cẩn trọng và không thể nói hiện tượng trên là không nguy hiểm.

GS-TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, về kỹ thuật xây đập chắc chắn phải ngăn được nước từ thượng lưu thoát xuống hạ du và ngăn dòng thấm xuyên qua vật liệu, dù đó là bê tông đầm lăn hay bê tông thường hoặc bằng đất, đá. Nếu đập nứt, nước chảy qua, dòng thấm sẽ gây ra xoáy ngầm làm suy giảm chất lượng của đập và nếu quá trình này kéo dài có thể sẽ gây ra hậu quả xấu. Với vết nứt ở đập Thủy điện Sông Tranh 2 cần phải xử lý khẩn trương và nghiêm túc.

Chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về công nghệ thi công bê tông đầm lăn, GS Vũ Thanh Te (ĐH Thủy lợi Hà Nội) cho biết, việc xử lý vết nứt như ở Thủy điện Sông Tranh 2 sẽ không đơn giản. Do đó, đơn vị có trách nhiệm cần tổ chức đoàn kiểm tra khảo sát, từ đó đưa ra giải pháp can thiệp mới có hiệu quả tốt.

Mặc dù chủ đầu tư của Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 khẳng định những vết nứt trên thân đập hoàn toàn nằm trong tính toán thiết kế và việc theo dõi, khắc phục sự cố đang tiếp tục được triển khai, tuy nhiên dư luận chưa thể an tâm với những gì đang diễn ra ở đây. Cụ thể là từ đầu tháng 11-2011 đến đầu năm 2012, tại địa phận huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) - nơi Thủy điện Sông Tranh 2 tọa lạc - đã xảy ra 4 trận động đất với cường độ lớn nhất đạt 3,3 độ richter. Hiện tượng này được khẳng định là do động đất kích thích, xuất hiện sau khi hồ thủy điện tích nước đi vào hoạt động. Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong các nghiên cứu, khảo sát đã tiến hành phục vụ xây dựng đập Thủy điện Sông Tranh 2, Viện Vật lý địa cầu đánh giá khu vực xây nhà máy có khả năng phát sinh động đất cực đại với độ lớn 5,5 độ richter và thiết kế của đập đã tính đến yếu tố này. Nhưng điều đó đã đủ để bảo đảm an toàn cho chính công trình này cũng như vùng hạ du?

Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỷ đồng, xây dựng từ tháng 3-2006 gồm hai tổ máy (tổng cộng 190MW). Cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Bờ đập chính của hồ chứa nước xây dựng nằm sát tỉnh lộ 616. Hiện dung tích hồ chứa nước của Thủy điện Sông Tranh 2 thuộc hàng lớn nhất miền Trung, với khoảng 730 triệu mét khối nước, được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100m.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự cố ở Thủy điện Sông Tranh 2: Không thể coi thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.