(HNM) - Ngày 22-5 đã xảy ra một sự cố hy hữu trên đường dây 500kV Di Linh - Tân Định làm mất liên kết hệ thống điện, nhảy attomat ở tất cả các tổ máy phát điện dẫn tới tình trạng mất điện trên diện rộng tại miền Nam.
Nhiều cơ quan, nhà máy buộc phải cho nhân viên nghỉ việc, hệ thống giao thông ở một số thành phố rơi vào tình trạng hỗn loạn... Cho tới nay, cơ quan chức năng vẫn chưa thể thống kê được thiệt hại từ sự cố được coi là "bất khả kháng" này.
"Chúng tôi coi đây là sự cố nghiêm trọng", lãnh đạo ngành điện khẳng định. Cái cách mà người ta để xảy ra sự cố cũng rất "hy hữu": "Do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực Thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp Tân Định...".
Đường dây 500kV có tầm quan trọng đặc biệt trong việc cung cấp điện cho khu vực phía Nam, nhất là vào mùa khô. Là đường độc đạo nên lúc nào đường dây tải điện này cũng trong tình trạng đầy tải. Do đó, ngành điện đã giao cho các đơn vị kiểm tra từng khu vực, từng vị trí cột, thậm chí soi cả việc phát nhiệt để tránh sự cố chủ quan gây ra... Lãnh đạo ngành điện khẳng định như vậy và nhận định rằng "đây là sự cố bất khả kháng". Tuy nhiên, cũng có một thực tế: Đây không phải là sự cố đầu tiên và duy nhất ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đường dây tải điện 500kV và hệ thống cấp điện của EVN. Chỉ tính riêng trong năm 2012 đã có 7 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện bởi các hành vi thả diều; xe, máy công trình thi công vi phạm độ cao cho phép... Thế nhưng sự cố vẫn cứ đến, thiệt hại vẫn cứ xảy ra. Trong sự cố này, có thể thấy hệ thống an toàn lưới điện của EVN đang có vấn đề. Vì sao mà chỉ một sự cố nhỏ như vậy lại gây ra tình trạng hàng loạt tỉnh, thành phố mất điện nhiều giờ. Nếu trong thiết kế hệ thống an toàn hợp lý, hệ thống an ninh điện nhiều lớp… thì như sự cố atomat nhảy cũng chỉ mất điện từng khu vực thôi (?).
Ngành điện thiệt hại bao nhiêu sau sự cố này, như trên đã nói chưa thể tính hết nhưng có một điều chắc chắn rằng họ "nắm đằng chuôi". Còn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, liệu có được bồi hoàn thiệt hại? Có lẽ là không! Lãnh đạo ngành điện đã nói đây là sự cố "bất khả kháng" và một khi đã "bất khả kháng" thì đành phải "cảm thông" (?). Cũng có người đề cập đến chuyện người trực tiếp gây ra sự cố phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực gây ra. Tuy nhiên, với mức độ thiệt hại quá lớn như vậy, vấn đề buộc người trực tiếp gây ra sự cố phải bồi thường là không khả thi.
Sau một sự cố để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy, ngành điện không thể chỉ xin lỗi và đề nghị chính quyền các địa phương cũng như các doanh nghiệp phải hết sức lưu ý đến quy định để tránh vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện, tránh gây sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của người dân... Trước những thiệt hại không thể kiểm đếm của các "thượng đế", ngành điện cần ứng xử một cách có trách nhiệm và làm rõ trách nhiệm, chí ít là của chủ đầu tư công trình và các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp... để có hình thức xử lý thích đáng. Mặt khác, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần có biện pháp răn đe các đối tượng làm ăn cẩu thả, coi thường pháp luật, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Ai có thể nói rằng sẽ không còn xảy ra sự cố "bất khả kháng" như vậy nếu vẫn tiếp tục quản lý và vận hành hệ thống điện theo cung cách hiện nay?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.