(HNM) - Xã Chu Minh, huyện Ba Vì từng nổi danh với những "đại gia" buôn bán lâm sản, đào vàng xuôi ngược các tỉnh miền núi như Sơn La, Phú Thọ, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái... nhưng cuộc sống của gia đình họ bất an vì ma túy, tệ nạn xã hội luôn rình rập.
Nhưng rồi tiếng xấu đã dần được hóa giải, khi thế hệ trẻ ở Chu Minh ý thức được việc học để có công ăn việc làm ổn định, phát triển sản xuất và đa dạng các loại hình dịch vụ.
Thế hệ trẻ ở xã Chu Minh giờ đã quan tâm hơn đến việc học tập nâng cao kiến thức. |
Đã có một thời nhiều gia đình ở đây say giấc mộng vàng, đổ xô đi đóng thuyền, sắm máy. Người nào nhiều tiền thì đóng thuyền rồi thuê thợ hoặc kéo cả gia đình ngược sông. Những gia đình vốn mỏng thì góp tiền mua chung. Người không có tiền thì mang sổ đỏ đi thế chấp vay tiền ngân hàng. Mỗi chiếc thuyền giá 300-500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Theo UBND xã Chu Minh thì trong số những hộ tậu thuyền, đãi vàng chỉ có khoảng một nửa làm ăn hiệu quả, còn lại thua lỗ… Hơn nữa, có kiếm được thì môi trường ở bãi vàng tệ nạn luôn rình rập cũng khiến nhiều người không giữ được mình. Không chỉ có vậy, thuyền vàng chỉ có tuổi thọ 3-4 năm, trong khi chi phí phát sinh rất lớn. Nếu không biết tính toán thì chuyện thua lỗ là điều đương nhiên.
Kể từ ngày có cái nghề đãi vàng, trong làng gần như không còn thanh niên trai tráng. Khoảng 15-16 tuổi, có sức khỏe một chút đã bắt đầu xuống thuyền. Chưa đủ sức khỏe thì phục vụ cơm nước hoặc làm những việc vặt. Chính từ những chuyến đi lênh đênh trên sông nước đó, không ít thanh niên đã sa ngã trước sự cám dỗ của "nàng tiên nâu". Nhiều đứa trẻ muốn đi học cũng chẳng được, bố mẹ đều lênh đênh, phiêu bạt, có khi cả năm không về thì lấy ai kèm cặp, nuôi dưỡng. Trưởng công an xã Chu Minh Đỗ Danh Thủy cho biết, xã hiện có trên 50 đối tượng trong danh sách nghiện, 60 người nhiễm HIV, thời kỳ cao điểm có tới trên 80 đối tượng nghiện ngập. Chu Minh được coi là điểm nóng về tệ nạn ma túy HIV/AIDS của huyện Ba Vì. Đa phần hộ nghèo của xã là hậu quả của những năm đi đào đãi vàng sa vào nghiện hút, ốm đau bệnh tật, không còn sức lao động. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, công an xã, tệ nạn ma túy, tàng trữ, mua bán, hút chích đã giảm nhiều.
Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban khuyến học Phương Thị Việt Hoa cho hay: Xã không có nghề truyền thống, trước đây bà con đi buôn bán, đào đãi vàng rầm rộ lắm. Bên cạnh những hộ phất lên vì vàng thì không ít gia đình tan cửa nát nhà. Nhưng giờ thì người dân Chu Minh cũng đã thay đổi nhiều về nhận thức. Thanh niên thay vì đi đào đãi vàng thì phần lớn đã chuyển sang làm dịch vụ, làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn. Toàn xã có khoảng 200 thanh niên làm công nhân may. Nhiều hộ đầu tư sản xuất rau màu, nâng cao giá trị trên một héc ta canh tác. Nếu như trước đây ở xã Chu Minh rất ít người học hết đại học thì năm 2012 này đã có một thủ khoa đại học y Trần Xuân Bách. Năm 2011, xã đã tổ chức phát thưởng học sinh giỏi các cấp và học sinh đỗ vào các trường đại học chính quy là 231 em. Năm 2012 có 293 học sinh, sinh viên được nhận phần thưởng. Tấm gương đỗ thủ khoa của em Bách đang thôi thúc phong trào học tập lan tỏa mạnh mẽ tới từng gia đình, thôn xóm, dòng tộc ở đất Chu Minh.
Ông Nguyễn Kim Đường, cán bộ Lao động - Thương binh & Xã hội xã chia sẻ, giờ về Chu Minh, dấu ấn cũng như hậu quả của cơn lốc vàng chưa hẳn đã hết, vẫn còn nhiều bà mẹ đơn thân đang vật lộn với bệnh tật để nuôi con ăn học. Nhưng Chu Minh đã xuất hiện ngày càng nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi như các em Phùng Thị Nga, Nguyễn Văn Quỳnh, Nguyễn Thị Mai… của Trường Tiểu học Chu Minh… Đó là những "cánh én" báo hiệu mảnh đất này đang có sự chuyển mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.