Giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho Nihon Hidankyo (Nhật Bản). Đây là tổ chức được thành lập năm 1956 bởi những người sống sót sau thảm họa do Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản gây ra (hồi tháng 8-1945), với hai mục đích chính; đó là hỗ trợ những nạn nhân của hai vụ thảm sát này và đấu tranh để vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng lại lần nữa trên thế giới.
Đây là lần thứ hai trong lịch sử Giải Nobel Hòa bình (kể từ năm 1901 đến nay) mà sự lựa chọn trao giải thưởng có liên quan đến vũ khí hạt nhân. Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama, sau chỉ có 9 tháng cầm quyền ở nước Mỹ, được trao giải thưởng này.
Liên quan đến việc lựa chọn tổ chức Nihon Hidankyo để trao Giải Nobel Hòa bình năm nay, dư luận đặt câu hỏi: Nếu tổ chức này được đánh giá cao như vậy thì tại sao lại không được trao giải thưởng sớm hơn và tại sao Ủy ban trao Giải Nobel Hòa bình lại không đợi đến sang năm 2025, năm kỷ niệm 80 năm xảy ra thảm họa Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki để trao giải?
Câu trả lời chỉ có thể là thời điểm hiện tại mới thuận thời chứ không phải sang năm cho việc chọn chủ đề nội dung về nỗ lực hướng tới thế giới không có vũ khí hạt nhân, không để vũ khí hạt nhân lại được sử dụng, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới để trao Giải Nobel Hòa bình năm nay.
Cho tới nay, Mỹ là nước duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh. Từ sau khi sử dụng ở Hiroshima và Nagasaki, vũ khí hạt nhân được hai phe đối địch nhau ở thời chiến tranh lạnh sử dụng để răn đe hạt nhân. Nhưng ở thời hiện tại, bên cạnh tiếp tục răn đe hạt nhân lẫn nhau giữa một số địch thủ còn xuất hiện việc gia tăng rõ rệt đe dọa sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân. Những quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục tăng cường tiềm lực và hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, những nước lâu nay cạnh tranh hạt nhân tiếp tục duy trì... cạnh tranh hạt nhân.
Mỹ và Nga đã ngừng hoàn toàn tiến trình giải trừ và kiểm soát hạt nhân song phương. Nga và Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với thách thức, đe dọa và xâm hại an ninh đến từ bên ngoài.
Hiện tại, tình hình căng thẳng tại Trung Đông, không thể loại trừ khả năng Israel và Iran xung khắc với nhau đến mức nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nhau.
Tôn vinh Nihon Hidankyo trong thời cuộc như thế là cách dùng tôn chỉ mục đích của Ủy ban trao Giải Nobel Hòa bình để nhắc nhở và cảnh tỉnh cả thế giới. Chuyện thời sự chính trị an ninh thế giới khiến Ủy ban trao Giải Nobel Hòa bình không còn có thể bỏ qua Nihon Hidankyo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.