(HNM) - Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra vừa cách chức Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom...
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom. (Ảnh: Bangkok Post) |
Câu chuyện thời sự đang gây chú ý tại Thái Lan được bắt đầu từ tháng 10-2011 khi ông Boonsong khởi xướng chương trình mua tạm trữ gạo với giá cố định ở mức 15.000 baht/tấn gạo nhằm mục đích hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chương trình này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận khi một số ý kiến cho rằng, dự án này gây lãng phí và đã tạo điều kiện cho tham nhũng và buôn lậu gạo. Chính phủ Thái Lan mới đây cũng thừa nhận, số lỗ tạm thời từ chương trình không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước mà còn khiến giá lúa gạo xuất khẩu Thái Lan tăng vọt và làm giảm lợi thế cạnh tranh của gạo Thái trên thị trường quốc tế. Đây là nguyên nhân quan trọng làm Thái Lan bị mất vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào tay Ấn Độ trong năm ngoái, khi chỉ xuất khẩu được 6,9 triệu tấn gạo, giảm mạnh so với con số 10,6 triệu tấn của năm 2011. Việc kéo dài chương trình này khiến nhiều chuyên gia kinh tế quan ngại Bangkok khó có thể hoàn thành mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2017 và quan trọng hơn là tác động tiêu cực đến bậc xếp hạng tín nhiệm của nước này.
Việc cách chức Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom - trong lần cải tổ nội các thứ 4 liên tiếp kể từ khi nhậm chức vào tháng 8-2010 đến nay của Thủ tướng Yingluck Shinawatra - dường như chỉ là giải pháp tình thế vì chưa mang đến lời giải cho thực trạng lĩnh vực xuất khẩu gạo của Thái Lan hiện nay. Đánh giá mới đây của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy, triển vọng tăng trưởng về gạo xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này năm nay chưa sáng sủa hơn khi những vấn đề về hậu cần và vận tải gặp phải thách thức bởi sự tăng giá của đồng baht cùng với việc giá xuất khẩu đã được ấn định ở mức cao. Thông tin mới nhất từ Hiệp hội cho biết, có 7 đến 8 nhà xuất khẩu gạo lớn của Thái Lan được đối tác tại Liên minh Châu Âu (EU) thông báo rằng các chuyến hàng của họ có thể đang gặp trở ngại bởi những người môi giới chưa giải quyết được chi phí vận tải. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Korbsook Iamsuri cho biết thực tế là hầu hết khách hàng nhập khẩu gạo đều tập trung vào giá cả, chứ không đơn thuần là chất lượng.
Trước sức ép thâm hụt ngân sách ngày một lớn cùng mục tiêu đưa Thái Lan giành lại ngôi vị nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong một cuộc họp gần đây, Chính phủ Thái Lan đã quyết định giảm mức trợ giá cho những người trồng lúa theo chương trình mua tạm trữ lúa gạo. Theo đó, kể từ ngày 1-7-2013, Chính phủ sẽ chỉ trả 12.000 baht (390 USD) cho 1 tấn thóc, giảm 20% so với mức giá thu mua vẫn được áp dụng kể từ khi bắt đầu thực hiện chương trình trên (15.000 baht/tấn). Thế nhưng trước sự phản ứng quyết liệt của người nông dân, Ủy ban Chính sách gạo quốc gia Thái Lan (NRPC) đã buộc phải hoãn thực hiện quyết định trên đúng vào ngày văn bản có hiệu lực. Hiện Chính phủ đã chấp nhận tăng giá thu mua lúa gạo trong vụ thứ hai của niên vụ 2012-2013 từ mức 12.000 baht/tấn thóc lên 15.000 baht/tấn.
Mục tiêu lấy lại vị trí nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới của Thái Lan quả là không dễ dàng. Đặc biệt, nỗ lực này không chỉ bị thử thách bởi những áp lực cạnh tranh từ bên ngoài như một yếu tố tất yếu của thời đại bùng nổ thương mại mà còn từ những vấn đề nội tại của đất nước Đông Nam Á. Điều này cũng cho thấy việc hài hòa, cân bằng lợi ích trong việc thực thi chính sách của một quốc gia luôn là một bài toán khó đối với bất kỳ chính phủ nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.