Theo dõi Báo Hànộimới trên

SOS - Nguy cơ "bốc hỏa" của rừng

Thúy Nga| 27/02/2010 07:33

(HNM) - Thời tiết hanh khô kéo dài, các khu rừng trên cả nước đang đặt trong tình trạng báo động. Hầu hết các loại rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan cháy nhanh, hậu quả thiệt hại nặng nề.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp với người dân huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) kiểm tra, bảo vệ rừng. Ảnh: TTXVN


Nguy cơ cháy lan rộng
Trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán, ngoài vụ cháy rừng lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây thiêu trụi 1.700ha rừng ở khu vực rừng Hoàng Liên (Lào Cai và Lai Châu), cả nước còn xảy ra 13 vụ cháy lớn nhỏ, trong đó, tỉnh Gia Lai xảy 5 vụ. Trên địa bàn thành phố Hà Nội năm qua cũng để cháy hơn 80ha rừng trong khi chỉ trồng mới được gần 200ha rừng. Ước tính tổng diện tích rừng bị cháy khoảng 1.100ha, gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân. Điều đáng nói, ngoài vụ cháy rừng tại tỉnh Hải Dương và Gia Lai được xác định do trẻ em đốt lửa sưởi vô ý gây cháy và người dân đốt nương làm rẫy, các vụ cháy khác chưa xác định rõ nguyên nhân.

Ông Đỗ Thanh Hải cho biết, quan sát qua vệ tinh cho thấy, từ Tết Nguyên đán đến nay, trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 2-3 đám cháy, vụ cháy rừng lớn, nhỏ nhưng được dập tắt kịp thời. Đặc biệt, hiện đang vào cao điểm của mùa khô hanh càng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng ở bất kỳ địa phương nào. Số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương PCCCR cho thấy, bốn ngày trước chỉ có 8 tỉnh được cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) và ở 6 tỉnh ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) thì đến ngày 24-2 con số này tăng lên 19 (gồm 12 cấp nguy hiểm và 7 cấp cực kỳ nguy hiểm). Ông Hải cảnh báo, nguy cơ cháy rừng đang lên cao, đặc biệt ở những địa phương có nguy cơ cấp V, mức độ càng nguy hiểm, rất dễ cháy và nếu xảy ra cháy thì tất cả các kiểu rừng đều dễ bắt lửa, tốc độ cháy khó cho công tác chữa cháy. Theo ông Hải, nhiệt độ cao lại không có mưa, cộng với gió thổi lớn như ở thời điểm này dễ xảy ra cháy và nguy cơ cháy phát tán rộng, nhất là ở các khu rừng tại Lào Cai và Lai Châu có độ cao 1.700m so mặt nước biển. Đây lại là thời điểm người dân thường phát nương, đốt rẫy hoặc trẻ chăn gia súc trong rừng đốt củi sưởi ấm cũng tăng nguy cơ cháy rừng. Sơ lược 5 năm trở lại đây, từ 60 đến 70% số vụ cháy rừng ở nước ta đều do nguyên nhân đốt nương làm rẫy.

Trang, thiết bị yếu và thiếu
Đứng trước nguy cơ các khu rừng "bốc hỏa", Ban Chỉ đạo Trung ương PCCCR yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương như An Giang, Cà Mau, Gia Lai, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Sơn La khẩn cấp thực hiện ngay các biện pháp PCCCR hiệu quả. Đối với các địa phương như Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Hòa Bình, Đà Lạt, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Tây Ninh có rừng được cảnh báo ở cấp IV cần có các biện pháp PCCCR vì thời tiết khô hạn còn có thể kéo dài. Cùng với đó tăng cường quản lý chặt chẽ giám sát người dân đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở khu vực có nguy cơ cao, nhất là trong rừng và gần rừng. Khẩn trương tiến hành làm đường băng cản lửa và thiết kế thi công các công trình khác để PCCCR. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tất cả các hộ sản xuất nương rẫy nắm vững những quy định về đốt nương như: có đường băng cản lửa rộng từ 10m đến 15m, đốt từng đống nhỏ, đốt lúc gió nhẹ vào buổi chiều tối hoặc buổi sáng. Riêng lực lượng kiểm lâm thông thạo địa bàn, cách thức chữa cháy phải thường trực 24/24 giờ vào thời điểm này để tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý và tạm thời không cho phép ai được vào rừng nếu không có giấy phép của cơ quan chức năng. Với khách tham quan du lịch các khu rừng, cũng phải được thông báo trước để địa phương cử người hướng dẫn.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hải, tại một số địa phương, ý thức bảo vệ rừng và trang thiết bị phục vụ PCCCR vẫn còn yếu và thiếu. Ở nhiều địa phương còn tình trạng đốt nương tự phát. Trong khi đó, phương tiện PCCCR của ta không thể so sánh với các nước lân cận và chưa đáp ứng được yêu cầu. Hầu hết trang thiết bị, phương tiện phục vụ PCCCR thô sơ, chủ yếu là máy bơm nước, dụng cụ phát quang cây cối, bàn dập, máy thổi gió, ô tô phục vụ việc kiểm tra và được đầu tư theo hình thức dự án. Trong khi đó, các dự án đầu tư chậm so với tiến độ được phê duyệt. Ông Hải dẫn chứng, dự án trang bị phương tiện, thiết bị PCCCR cho 30 tỉnh, thành trọng điểm lẽ ra hoàn thành từ mấy năm trước, nhưng đến nay mới triển khai đầu tư bước đầu. Do thiếu trang thiết bị khiến các lực lượng gặp khó khăn trong công tác PCCCR.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
SOS - Nguy cơ "bốc hỏa" của rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.