Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Sống xanh" - nhìn từ nghệ thuật tái chế: Trách nhiệm của giới sáng tạo

Thúy Đinh| 02/01/2022 05:39

(HNMCT) - Thổi hồn cho những thứ tưởng như phải bỏ đi, những nghệ sĩ tiên phong trong lĩnh vực nghệ thuật tái chế đã thức tỉnh cộng đồng về giá trị sống và ước mong một không gian sống bền vững. Có thể coi nghệ thuật tái chế là một trào lưu với những thử nghiệm ban đầu nhưng trong đó đã hàm chứa nhiều câu chuyện về thiên nhiên, con người và đặc biệt là trách nhiệm của những người sáng tạo.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh:
Nghệ thuật thức tỉnh mọi người

Chưa bao giờ thành phố Hà Nội nói riêng và các thành phố nói chung phải đối mặt với tình trạng rác thải, nước thải một cách cam go như trong những năm gần đây. Con người bày tỏ thái độ của mình, thức tỉnh cộng đồng trước vấn nạn môi trường tự nhiên và xã hội, không có gì hay hơn là thông qua nghệ thuật.

Chẳng hạn như ở Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, các nghệ sĩ đã dùng rác để cho công chúng thấy được vòng sống của vật chất được tiết kiệm, vận dụng hài hòa, tuần hoàn như thế nào. Nó cho chúng ta nhận thức một cách sâu sắc nhất rằng, dùng vật liệu phế thải có thể làm nên các tác phẩm nghệ thuật có tính lan tỏa, tính hấp dẫn, tính giáo dục cao.

Các tác phẩm nghệ thuật ấy đã thay đổi cuộc sống của cư dân sống ven sông Hồng. Trước kia, cuộc sống của người dân ven sông Hồng vốn tạm bợ, hình thành thói quen vứt rác, đi vệ sinh tùy tiện. Rồi sau này, những kẻ đổ rác trộm lại mang hàng ô tô rác đến đây. Nhưng dự án nghệ thuật được thực hiện ở bãi Phúc Tân đã thay đổi nhận thức của chúng ta, đặc biệt là những người dân sống xung quanh đó. Người ta không còn cảm thấy mình ở bên rìa thành phố nữa, mà nhận thức được trách nhiệm bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật đó. Chính họ là những người bảo vệ môi trường tốt nhất.

Chưa bao giờ sức sống của việc biến rác thành nghệ thuật trở nên mạnh mẽ, có sức lan tỏa cao như thế. Do vậy, tôi đánh giá cao hoạt động của các nghệ sĩ trong dự án này. Họ sáng tạo để biến rác thành nghệ thuật, qua đó làm thay đổi nhận thức, triết lý sống. Nghệ thuật sáng tạo ấy có tính thức tỉnh sâu sắc hơn rất nhiều so với nhiều biện pháp khác. Nó âm thầm trở thành một giá trị mới trong nhận thức về vật chất xung quanh không gian sống của chúng ta. Hà Nội đã nhìn thấy sông Hồng như một tiềm năng cần được thức tỉnh, cần được sử dụng để nâng cao giá trị tinh thần, phẩm giá của người Hà Nội khi biết tôn trọng nguồn sông của mình.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến:
Đòi hỏi sự tương đồng giữa khách thể và chủ thể sáng tạo

Nghệ thuật tái chế là một trong những biểu hiện của nghệ thuật mới. Nó không đi theo lối cổ điển nữa mà theo xu hướng thời đại, đặc biệt là của phương Tây. Với góc nhìn của người Á Đông, chúng ta nhìn nhận những tạo hình đó khá vất vả, bởi xưa nay cái nhìn của người phương Đông thường bó hẹp trong một không gian thanh bình, không gian tĩnh chứ không động như của phương Tây. Những người đi tiên phong bao giờ cũng nghĩ ra một cái gì đó mới, từ sắp đặt, biểu diễn, trình diễn. Nhưng quá trình đó mới chỉ dừng ở việc thể nghiệm, cần có thời gian để thuyết phục và chứng minh. Khi cả thế giới đang kêu gọi chúng ta cùng chung tay bảo vệ môi trường thì sự ra đời của các sản phẩm nghệ thuật tái chế, biến những thứ tưởng như bỏ đi trở nên hữu dụng là một sự tìm tòi mới. Để những tìm tòi đó tạo ra giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật thì cần nhiều công sức của nghệ sĩ.

Tôi đánh giá cao sự tìm tòi của mô hình nghệ thuật ở bãi Phúc Tân - biến rác thành nghệ thuật. Khi rác thải ngập tràn thành phố, việc biến rác thải thành những giá trị thẩm mỹ, gần gũi với con người là đóng góp quan trọng của các nghệ sĩ. Tuy vậy, nghệ thuật tái chế mới dừng lại ở số lẻ. Những tác phẩm tái chế cần thuyết phục được số đông. Người nghệ sĩ cảm được nghệ thuật qua những thứ gọi là rác thì mới có thể lan tỏa cảm xúc của mình đến công chúng. Và con đường đi này không hề ngắn. Bởi lẽ, trước kia, thường thấy những bức tranh hay những bức tượng hoàn toàn tĩnh lặng để người xem cảm nhận. Nhưng giờ đây, những tác phẩm sắp đặt hay buổi trình diễn của người nghệ sĩ luôn ở trạng thái động, tạo cơ hội cho mọi người cùng tham gia tạo hình tác phẩm. Như vậy có nghĩa người nghệ sĩ mở rộng không gian nghệ thuật của mình. Điều đó đòi hỏi sự tương đồng giữa khách thể và chủ thể sáng tạo.

Anh Lê Ngọc Thuận, sáng lập thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ Coco Casa:
Cần sự chung tay của cộng đồng

Ý tưởng làm sản phẩm tái chế từ những thanh gỗ, củi sau mỗi đợt mưa bão đến với tôi từ năm 2012. Khi ấy tôi đã sử dụng những thanh gỗ trôi nổi mà mình thu gom được sau trận lụt để trang trí cho homestay của mình tại bãi biển An Bàng (Hội An, Quảng Nam). Nhiều du khách cảm thấy thích thú và dành cho tôi nhiều lời khen về giá trị mỹ thuật, giá trị văn hóa trong mỗi sản phẩm. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi có thêm nhiều thời gian để tập trung cho các ý tưởng, mẫu mã sản phẩm, vừa bán trực tiếp, vừa bán online.

Mong muốn của tôi là được truyền tải thông điệp, ý tưởng tái chế của mình đến cộng đồng, tạo nên sức mạnh để các sản phẩm nghệ thuật của mình có thể cạnh tranh được với nước ngoài. Tôi từng đến Thái Lan, Campuchia, Indonesia và nhận thấy cả cộng đồng của họ cùng làm nên nhiều mẫu mã sản phẩm rất đẹp và phân phối ra nhiều nước phương Tây. Khi cộng đồng cùng chung tay thực hiện những tác phẩm nghệ thuật tái chế thì thương hiệu của Việt Nam mới khởi sắc được. Đó cũng là lý do tôi không muốn giấu giếm ý tưởng của mình. Tới đây, tôi đang có dự định xây dựng các trại sáng tác mỹ thuật tái chế từ rác thải, từ vải, gỗ, chai nhựa... trong dịp hè. Mô hình của nó sẽ giống như những tour du lịch trải nghiệm.

Thực tế là nước ta có rất nhiều làng nghề, người dân cũng rất khéo tay. Thế nhưng, cái thiếu chính là ý tưởng. Người thợ thủ công bị cuốn theo công việc hằng ngày nên không có nhiều thời gian để cập nhật xu hướng, và họ cứ đi theo lối mòn dù đang sống trong thời đại 4.0, cơ hội tìm hiểu rất phong phú. Tôi đã từng nhìn thấy có người làm một bức tượng to, nặng 50 - 60kg, rất khó để bán và di chuyển từ trong nước ra nước ngoài. Chưa kể việc này khiến chúng ta phải sử dụng những thân gỗ rất lớn, gây ảnh hưởng đến môi trường. Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng những thân cây gỗ nhỏ hơn như keo, quế, cao su... và “thổi hồn” cho nó. Đó cũng là câu chuyện về việc giúp đỡ sinh kế cho đồng bào dân tộc sinh sống tại tỉnh Quảng Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Sống xanh" - nhìn từ nghệ thuật tái chế: Trách nhiệm của giới sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.