Góc nhìn

“Sống xanh” mỗi ngày!

Mai Lâm 11/11/2023 14:37

Khái niệm “sống xanh” đã thực sự đi vào cuộc sống và lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt là tại các đô thị lớn, nơi đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí khá nặng nề.

Người ta nói nhiều về sự cần thiết hạn chế xả rác bừa bãi, sử dụng điện tiết kiệm, chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường. Phong trào vệ sinh môi trường vào ngày cuối tuần tại các khu dân cư được duy trì đều đặn, không ít nhóm tình nguyện chẳng quản nắng mưa đi dọn rác tại các điểm công cộng, góp phần tạo nên hình ảnh đô thị “xanh - sạch - đẹp”.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, những cơ sở sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu tái chế các loại phế phẩm, rác thải hay những tổ nhóm "đổi cây lấy rác thải" được giới thiệu ngày càng nhiều với sự tham gia tích cực của các bà, các mẹ, các bạn trẻ... Tất cả cho thấy, việc xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.

Nói một cách khác, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đã gặt hái nhiều “trái ngọt”. Trong bức tranh chung với gam màu sáng đó, Thủ đô Hà Nội là một điểm nhấn nhờ sự tham gia hưởng ứng, đóng góp tích cực của đông đảo người dân. Không khó để thấy các siêu thị sử dụng các loại túi đựng hàng hóa thân thiện với môi trường dành cho khách hàng.

Cũng không khó để thấy các nhà hàng, quán nước sử dụng vật dụng sinh hoạt được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường như cốc, thìa, đũa, ống hút... bằng tre. Nhiều quán cà phê đã trở thành nơi gặp gỡ, điểm check-in nổi tiếng chỉ đơn giản nhờ chủ nhân đã tận dụng tối đa đồ phế thải như lốp ô tô, thùng phuy, chai lọ... để làm bàn ghế hay vật dụng trang trí, tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Về đi lại, hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội đã trở thành “hình mẫu” cho cả nước, và trong những năm qua, hệ thống đó đã chuyển dần sang sử dụng khí nén CNG hay xe buýt điện. Hơn hai tháng qua, hình ảnh những chiếc xe đạp, xe đạp điện màu xanh trắng cho thuê được người dân, du khách sử dụng xuất hiện trên các tuyến phố ngày càng nhiều, điều đó cho thấy “lối sống xanh” đang thực sự thấm sâu vào cộng đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, ngày 6-11, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mục tiêu đề ra là triển khai đồng bộ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn; phát triển kinh tế tuần hoàn, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường... Thành phố cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.

Một trong những mục tiêu cụ thể được đề ra là đến hết năm 2024, 60 - 70% chợ truyền thống, 100% siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon, sử sụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường để thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần vốn rất khó phân hủy. Với các siêu thị, trung tâm thương mại và thậm chí là cửa hàng tiện ích, có lẽ, đây không phải việc khó làm và trên thực tế, đã rất nhiều nơi chuyển sang dùng túi đựng hàng hóa thân thiện với môi trường.

Còn tại các chợ truyền thống, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, có lẽ đó sẽ là mục tiêu không hề đơn giản khi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người bởi sự tiện lợi, “sạch sẽ” cho người dùng. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, khi nhiều bà, nhiều mẹ đã quay lại thói quen mang làn đi chợ, nhiều hàng rau sử dụng lá chuối, dây lạt để bó hàng... Lối “sống xanh” tích cực đó rất cần được lan tỏa tới mọi người, được thực hành mỗi ngày vì lợi ích chung của cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Sống xanh” mỗi ngày!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.