Góc nhìn

Chung tay lan tỏa “sống xanh”

Mai Lâm 02/09/2023 - 13:53

Nửa tháng qua, người dân ở một số quận tại Hà Nội đã quen với hình ảnh những chiếc xe đạp thân thiện màu xanh trắng bon bon trên các cung đường.

xe-dap1.jpg

Được biết, sau một tuần thử nghiệm (từ ngày 16 đến 22-8), ngày 24-8, 79 điểm trạm cho thuê với 1.000 chiếc xe đạp (trong đó có 500 chiếc xe đạp điện) đã chính thức được vận hành tại một số quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ... Các điểm trạm cho thuê xe được bố trí tại những vị trí thuận lợi, gần công viên, điểm du lịch, có tính kết nối cao với điểm đón trả khách đi xe buýt. Sự thuận lợi này được kỳ vọng giúp người dân, du khách sử dụng dịch vụ thuê xe đạp nhiều hơn, qua đó tích cực tham gia vào hành trình “sống xanh”, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng “xanh - sạch - đẹp”.

Thông tin từ đơn vị cung cấp dịch vụ cho biết, chỉ tính riêng trong tuần thử nghiệm nói trên, đã có 16.452 tài khoản thuê xe được kích hoạt với 7.454 chuyến đi, trung bình mỗi chuyến di chuyển khoảng 6,3km. Với quãng đường này, việc sử dụng xe đạp thuê giúp giảm 2.844kg khí thải CO2 so với việc sử dụng ô tô, xe máy.

Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh, chỉ số ô nhiễm tại nhiều trạm quan trắc trên địa bàn thành phố có những thời điểm ở mức cao thì mỗi hành động góp phần tiết giảm yếu tố gây ô nhiễm rất đáng được hoan nghênh. Dưới góc độ kinh tế, chi phí thuê xe đạp công cộng cũng ở mức có thể chấp nhận được (5.000 đồng với xe đạp, 10.000 đồng với xe đạp điện cho 30 phút sử dụng phương tiện, mỗi 6 phút tiếp theo là 1.000 đồng). So với chi phí đi xe ôm, taxi hay xe công nghệ, rõ ràng các “thượng đế” đã tiết kiệm được một khoản.

Đó là chưa kể, bằng việc sử dụng phương tiện này, các du khách sẽ chủ động được lịch trình, có thể “tạt ngang, rẽ dọc”, thỏa thích khám phá, tìm hiểu truyền thống văn hóa, ẩm thực của người dân Thủ đô, qua đó, quảng bá, giới thiệu bạn bè, người thân đến với Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình. Đó là những cái được thấy rõ!

Một dịch vụ góp phần thúc đẩy “sống xanh” đã được người dân, du khách đón nhận theo chiều hướng khá tích cực. Tuy nhiên, để có thể duy trì, mở rộng dịch vụ này, dễ thấy vẫn còn những vấn đề cần được xem xét, giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du khách, góp phần thúc đẩy lối “sống xanh”, văn minh.

Theo quy định, khi điều khiển xe đạp điện, người sử dụng phải đội mũ bảo hiểm, cài quai đúng quy cách. Mức phạt với hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện lên tới 400 - 600 nghìn đồng. Đây là vấn đề đặt ra cho cả đơn vị cho thuê xe và khách hàng. Đem mũ bảo hiểm theo người khi đi thuê xe thì bất tiện, mà mở dịch vụ cho mượn hay thuê mũ bảo hiểm khi thuê xe thì quản lý như thế nào?

Bên cạnh đó, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh ở thành phố đang thiếu hụt khá nghiêm trọng, đặc biệt là tại những khu vực “đất vàng”, nơi kinh doanh sầm uất. Tại đó, mức phí trông giữ phương tiện thực tế luôn cao hơn quy định, và vì thế, đôi khi phí thuê xe cũng ngang ngửa, thậm chí thấp hơn cả phí giữ xe. Đó là chưa kể tại không ít điểm đến, việc tìm được chỗ để xe, gửi xe cũng là thách thức không nhỏ với ngay cả những "thổ địa”.

Để thúc đẩy xây dựng thói quen văn minh, lối sống tích cực thì cần tạo thuận lợi, thậm chí là phải "bỏ tiền mua thói quen". Cách đây chừng 20 năm, với chính sách trợ giá, Hà Nội đã xây dựng và từng bước hình thành thói quen sử dụng xe buýt cho đông đảo người dân. Nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ nhằm giải quyết những vấn đề tưởng như nhỏ, đơn giản thì sẽ khó thúc đẩy "sống xanh”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay lan tỏa “sống xanh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.