(HNM) - Sự kiện được chú ý trên thị trường tiền tệ thời gian qua là việc nhiều ngân hàng (NH) âm thầm "phá rào" - "bơm" khuyến mãi, gây áp lực lớn tới việc hạ lãi suất cho vay xuống 12%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngân hàng - tiến thoái lưỡng nan
Chưa đầy một tháng sau khi đồng thuận loại bỏ khuyến mãi và thống nhất lãi suất (LS) huy động, thị trường bỗng "nổi sóng" khi một số NH phá rào - điều chỉnh tăng LS huy động. Tuy nhiên, do lo sợ những ngưỡng cản về đồng thuận LS 11,5%... nên đa số khoản khuyến mãi của NH đều được thực hiện... khá âm thầm, không rầm rộ. Một số NH công bố mức lãi suất tiết kiệm vượt "trần" 11,5%, đây đó xuất hiện trở lại các hình thức khuyến mãi, huy động kỳ hạn siêu ngắn như trước đây, đẩy lãi suất thực vượt quá 12%/năm. Ngoài các mức LS "khủng", nhiều NH cũng áp dụng thưởng cho tiền gửi tiết kiệm nhằm tăng tính hấp dẫn. Thậm chí, một số chi nhánh NH do cần vốn nên dù không có chương trình khuyến mãi nào nhưng lại thỏa thuận LS với từng khách hàng để huy động vốn.
Giao dịch tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Bảo Lâm |
Những cơn sóng ngầm trên thị trường tiền tệ đang khiến nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay dường như trở nên khó khăn hơn, đi ngược với mong muốn của Chính phủ trong nỗ lực hạ lãi suất cho vay, kích thích sản xuất phát triển. Trả lời báo chí mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định sẽ xử lý nghiêm những NHTM đi ngược chủ trương hạ LS. Nhằm tạo sự công bằng, ổn định về LS giữa các NH, Thống đốc cho biết NHNN sẽ kiểm tra, rà soát những NHTM có LS huy động vượt quá 12%, xử lý nghiêm sai phạm.
Nhận định về lý do một số NH điều chỉnh tăng LS huy động, các chuyên gia chỉ ra hai nguyên nhân quan trọng: Thứ nhất, trước khi thực hiện cam kết giữ LS xoay quanh mức 11,5%, NH đã để mặt bằng LS hơi thấp, không tương xứng với mặt bằng thị trường. Thứ hai, một số NH nâng LS lên tới 12%/năm, thậm chí 12,5%/năm do các NH lớn cộng cả LS thưởng, khuyến mãi ra mức 11,6%/năm, các NH nhỏ cũng áp ở mức này nhưng không huy động được vốn. Thành ra các NH nhỏ phải thưởng cả tiền mặt, LS, xem đây như giải pháp tình thế nên LS thực lên tới 12,5%/năm.
Về phía các NH, lãnh đạo một NHTM cổ phần cho biết họ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: Tăng LS thì đi ngược lại chủ trương của Chính phủ, đồng thời làm chênh lệch lãi biên giữa đầu vào và đầu ra ngày càng hẹp, lợi nhuận càng sụt giảm, áp lực từ các cổ đông càng lớn; nhưng nếu không tăng thì NH không hút được khách, trong khi cạnh tranh LS huy động ngày càng gay gắt. Trên thực tế, rất nhiều DN có nguồn tiền lớn đã mặc cả với NH để đòi lãi suất cao hơn nhiều so với mức 11,5%/năm mà Hiệp hội Ngân hàng khuyến cáo.
Không ít NH đang bị cuốn vào cuộc đua LS mới, tự dồn nhau vào thế bí.
Hài hòa lợi ích "3 N"
Những cơn sóng ngầm thị trường tiền tệ đã và đang gây không ít quan ngại. Tuy nhiên, hiện NHNN vẫn đang phát huy tốt vai trò trụ cột trên thị trường tiền tệ ngắn hạn, đồng thời sau khi quay trở lại cơ chế LS thỏa thuận, tính công khai minh bạch trên thị trường và thanh khoản NH được cải thiện rõ rệt, cung cầu vốn đi dần vào thế ổn định, tạo điều kiện để bình ổn mặt bằng LS. Đặc biệt, những NHTM có uy tín - chiếm thị phần chi phối - vẫn đang thực thi nhiều chính sách khách hàng có hiệu quả. Chính vì vậy, không đến mức quá hốt hoảng hoặc có những phản ứng thái quá trước những diễn biến mang tính cục bộ do LS huy động ở một số NH đang bị đẩy lên. Vấn đề quan trọng là nhận diện và đánh giá đúng nguyên nhân.
Bảo đảm vừa giảm LS đầu vào, vừa hạ LS đầu ra là một bài toán rất khó khăn với cả NHTM nói riêng và NHNN nói chung. Cái khó là ở trong cái thế cùng một lúc phải "hài hòa" các mục tiêu: tập trung kiểm soát lạm phát, góp phần tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định thị trường. Điều quan trọng hiện nay là phải tìm ra điểm để hài hòa lợi ích của người gửi tiền, người vay tiền và NH (3 N), giảm áp lực tâm lý các bên tham gia. Nhiều chuyên gia cho rằng, để chính sách tiền tệ ngày càng hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, cần tăng cường sự hiệu quả của cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ thông qua các biện pháp làm tăng sự tiếp cận của DN và người dân vào tín dụng NH, giảm ảnh hưởng của các kênh tín dụng phi chính thức. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp để có thể nhất thể hóa LS trên thị trường, tránh xu hướng đa LS như hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cần sử dụng các biện pháp hành chính, phi tiền tệ để kiềm chế các yếu tố kích thích lạm phát tâm lý. Mặt khác, phải xác định rõ ràng, nhất quán các mục tiêu tiền tệ trong từng thời kỳ. Việc đưa ra các mục tiêu có những điểm còn mâu thuẫn hoặc gây nhầm lẫn sẽ tạo nên sự hiểu lầm trên thị trường và gây nên sự suy yếu chính sách khi NHNN ban hành công cụ điều tiết kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.