Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống mãi tư tưởng trọng dân

Chử Thu Thảo| 10/11/2016 06:22

(HNM) - Trong những thành tựu mà Nhà nước cách mạng non trẻ Việt Nam đạt được sau khi giành chính quyền, Hiến pháp năm 1946 được kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa I thông qua có giá trị đặc biệt, đặt nền tảng chính trị, pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam mới. Trong đó thể hiện tinh thần “dân là gốc”, dân là tất cả qua việc khẳng định “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân”.

Cử tri trẻ thực hiện quyền bầu cử bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Khánh Huy


Tinh thần “dân là gốc”

Nói về Hiến pháp 1946, nhiều người cho rằng đó là hiến pháp nhân bản, dân chủ và đoàn kết dân tộc. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định, bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam được hình thành, soạn thảo và thông qua trong một hoàn cảnh lịch sử đầy cam go, gian khổ nhưng vẫn bảo đảm tinh thần “dân là gốc”, dân là tất cả qua việc khẳng định “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân”, “những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết”.

Cũng trong bản Hiến pháp này, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các quyền tự do dân chủ của con người được đạo luật gốc ghi nhận và bảo đảm, cũng lần đầu tiên người dân Việt Nam được xác nhận có tư cách công dân của một nước độc lập, có chủ quyền. Ngay trong lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã khẳng định, việc bảo đảm các quyền tự do dân chủ là một trong ba nguyên tắc làm nền tảng cho xây dựng Hiến pháp. Các quyền lợi của công dân được ghi nhận và bảo vệ trong chương 2 của Hiến pháp trải rộng trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bao gồm cả các quyền cá nhân và quyền nhóm.

Ngoài điểm nhấn quan trọng - lấy dân làm gốc, Hiến pháp 1946 đề cao tính độc lập của hệ thống tòa án - cơ quan tư pháp. Điều này đạt được nhờ hai cách: Một là các tòa được thiết kế không theo cấp hành chính (Điều 63, Hiến pháp 1946); hai là khi xét xử, thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp" (Điều 69, Hiến pháp 1946). Điểm nổi bật nữa là về mô hình tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp 1946 đã nhấn mạnh vai trò của nghị viện nhân dân, cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước.

Chọn lọc có tính kế thừa

Dù những quy định nêu trên chưa được tổ chức kiểm nghiệm nhiều trên thực tế lúc bấy giờ do chiến tranh, nhưng tinh thần, tư tưởng và giá trị của nó đã được đặt ra và kế thừa trong quá trình xây dựng Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và 2013. Theo dõi tiến trình lịch sử lập hiến của nước ta, dễ nhận thấy Hiến pháp 2013 được xem là bước phát triển dài và cơ bản so với Hiến pháp 1946 trong lịch sử lập hiến. Các quy định của Hiến pháp 2013 về QH vừa kế thừa đầy đủ các giá trị các quy định của Hiến pháp 1946 về nghị viện nhân dân vừa phát triển và bổ sung nhiều giá trị mới về cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong cấu trúc tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Cụ thể, nếu Hiến pháp 1946 quy định: Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc (Điều 22, 23), thì với cách thể hiện mới, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định tính chất quan trọng này và bổ sung: "QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Cách thể hiện mới trong Hiến pháp 2013 đã làm rõ hơn tính chất, vị trí của QH trong cấu trúc tổ chức quyền lực nhà nước theo đúng nguyên tắc "quyền lực nhà nước là thống nhất". Đồng thời, Hiến pháp bổ sung thêm việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để khắc phục những yếu kém trong kiểm soát quyền lực nhà nước của bộ máy nhà nước ta.

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, 70 năm qua, kể từ khi thông qua bản Hiến pháp đầu tiên, sống mãi với thời gian là tư tưởng trọng dân. Hiến pháp 2013 đã dành hẳn một chương riêng quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khẳng định quyền con người là quyền đương nhiên và chỉ có thể bị hạn chế bởi 4 lý do: An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh khẳng định những quyền cơ bản của con người, Hiến pháp cũng đặt ra nội dung kiểm soát chặt chẽ hơn những hoạt động hạn chế quyền con người. Nghĩa là Nhà nước phải tự giới hạn quyền của mình bằng những luật cụ thể. Tư tưởng này càng được thể hiện một cách rõ nét trong các dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Quá trình phát triển của hệ thống pháp luật từ Hiến pháp 1946 đến nay cho thấy những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Bởi, tôn trọng quyền con người, đấu tranh vì quyền con người chính là khát vọng của dân tộc ta, là mục tiêu phấn đấu của Đảng ta trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sống mãi tư tưởng trọng dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.