(HNM) - Cùng với cả nước, Hà Nội đã bước vào thời kỳ dân số già với 62 vạn người cao tuổi (NCT), chiếm tỷ lệ 9,77% dân số. Tuổi thọ trung bình của người dân Thủ đô là 74, cao hơn cả nước (72,8 tuổi), song tuổi thọ khỏe mạnh lại chưa tới 60. Điều đó có vẻ như là nghịch lý khi đời sống của người dân đã được nâng cao…
Chăm sóc sức khỏe NCT: Vừa là nhu cầu, vừa là đạo lý
Hội Đông y thành phố Hà Nội chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt
Hiện nay, trên 60% dân số Hà Nội đang sống ở nông thôn. Đặc thù của NCT ở nông thôn là sống chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, thời trẻ với thu nhập ít ỏi, tích lũy không nhiều nên về già, đa số họ sống dựa vào con cháu. Vì vậy, không mấy ai có khái niệm đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để được tư vấn, hỗ trợ chăm sóc. Còn ở thành phố, điều kiện kinh tế có tốt hơn, nhưng các dịch vụ sức khỏe dành riêng cho NCT lại rất hiếm. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã có Trung tâm Nuôi dưỡng người có công, Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (Ba Vì) nhưng đối tượng được thụ hưởng rất hạn hẹp. Một số trung tâm dành cho NCT do các đơn vị, cá nhân thành lập như Trung tâm Dưỡng lão Nhân Ái (Minh Khai, Từ Liêm) hiện đang nuôi dưỡng gần 100 cụ đến từ cả nước. Như vậy, so với nhu cầu thực tế, các trung tâm dành cho NCT hiện mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.
Bộ Lao động-Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) cũng nhận định, tỷ lệ người già tăng lên nhanh chóng dẫn đến sự thay đổi trong đời sống xã hội, sức ép lên hệ thống dịch vụ sức khỏe, giao thông đi lại, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống và an sinh xã hội. Trong khi đó, hiện nay, các chính sách về bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội có phạm vi bao phủ còn thấp, mức đóng và mức hưởng thụ chưa phù hợp, chưa bảo đảm đời sống cho các nhóm đối tượng hưởng thụ. Nguyên nhân là do mức độ bền vững về tài chính, tính liên kết giữa các chế độ và chính sách an sinh xã hội còn thấp và việc theo dõi, giám sát gặp khó khăn.
NCT là một lực lượng xã hội đông đảo của Hà Nội, hiện nay thành phố có tới 233 nghìn người là cán bộ, công chức nghỉ hưu, hơn 61 nghìn NCT hưởng chế độ người có công. "Thế hệ NCT ngày nay được xếp vị trí đặc biệt quan trọng bởi họ đã tham gia góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, có uy tín cao, ảnh hưởng lớn đối với gia đình và cộng đồng xã hội. NCT còn có nhiều tiềm năng trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, giáo dục, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật...", ông Phạm Văn Ngọc, Phó Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi Hà Nội khẳng định. Bởi vậy, đây là đối tượng cần được ưu tiên chăm sóc sức khỏe. Việc làm này cũng thể hiện đạo lý của người Việt Nam.
Mở rộng mô hìnhViệc chăm sóc NCT, đặc biệt là đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến với NCT trong một hệ thống là đòi hỏi cấp thiết. Từ năm 2009, Hà Nội đã triển khai mô hình "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" tại quận Hoàn Kiếm.
Trung tâm Dân số-KHHGĐ quận đã tổ chức khám và tư vấn miễn phí cho hơn 400 NCT của phường Trần Hưng Đạo. Các cụ được đo thị lực, siêu âm ổ bụng, đo huyết áp, khám tai - mũi - họng... và được y, bác sỹ giải đáp nhiều băn khoăn hằng ngày về tình trạng bệnh tật của tuổi già. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe miễn phí, nhiều hoạt động thể thao, văn hóa được tổ chức giúp NCT sống vui, sống khỏe. Hưởng ứng tích cực hoạt động của mô hình, ông Nguyễn Danh Kiểm, 69 tuổi, phường Trần Hưng Đạo khẳng định: "Được chăm sóc cả về sức khỏe và tinh thần là hạnh phúc lớn của chúng tôi".
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trước vấn đề già hóa DS, quận Hoàn Kiếm cũng có nhiều giải pháp trong công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần, chất lượng sống cho NCT mà mô hình này chỉ là một điển hình. Quận còn có nhiều hoạt động thu hút NCT tham gia như sinh hoạt đoàn thể Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố, tổ hòa giải.
Từ thành công ở Hoàn Kiếm, Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai mở rộng mô hình ở 6 quận, huyện. Đây là một trong những việc làm nhằm thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngành dân số, được khẳng định trong Chiến lược Dân số 2001-2010 và tiếp theo là Chiến lược Dân số 2010-2020.
- Theo khảo sát của Viện Lão khoa quốc gia, chỉ có 22,4% bệnh viện tỉnh có chuyên khoa lão khoa. Cả nước chỉ có 5 cơ sở chuyên chăm sóc y tế lâu dài cho NCT và 2 cơ sở đào tạo có bộ môn Lão khoa. - PGS TS Nguyễn Đình Cử cho rằng, chi phí chăm sóc NCT cao gấp 7-8 lần so với chăm sóc trẻ em và nhu cầu lớn nhất hiện nay của NCT là được chăm sóc sức khỏe. |