(HNM) - Paraguay đang hứng chịu
Với tỷ lệ 39 phiếu thuận và 4 phiếu chống tại Thượng viện cuối tháng 6 vừa qua, ông F.Lugo đã bị truất nhiệm với cáo buộc xử lý sai vụ thu hồi đất tại tỉnh miền đông Canindeyu, gây xung đột giữa nông dân và cảnh sát, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng. Ngay sau đó, Phó Tổng thống Federico Franco đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Paraguay cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 8-2013.
Ông F.Lugo từng là một Giám mục Công giáo và được bầu làm Tổng thống Paraguay năm 2008 với cam kết giúp đỡ dân nghèo và phân phối lại đất đai một cách công bằng. Giới phân tích cho rằng, đằng sau việc phế truất Tổng thống F.Lugo là âm mưu loại bỏ tư tưởng cải cách đất đai mà ông theo đuổi từ lâu. Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban vì Sự thật và Công bằng (CVJ), trong suốt 35 năm cầm quyền, chế độ độc tài quân sự của tướng Alfredo Stroessner đã giao bất hợp pháp gần 7 triệu héc ta đất canh tác cho các chủ đồn điền, gia đình và người thân của giới quan chức trong Chính phủ. Đây chính là vấn đề chưa được giải quyết từ khi Paraguay bước vào quá trình dân chủ và sẽ khó khăn hơn khi đất đai ở các vùng nông thôn đang ngày càng có giá trước sự phát triển nhanh chóng của một nền nông nghiệp hiện đại và quá trình đô thị hóa. Giới chủ và các chủ đồn điền trên cả nước lo ngại về khả năng Tổng thống F.Lugo sẽ tiến hành một cuộc cải cách triệt để và phân chia lại đất đai như đã hứa khi tranh cử. Do đó vụ đụng độ ở Canindeyu là cơ hội "nghìn năm có một" để phái bảo thủ và cực hữu thuộc Đảng Colorado trong Quốc hội "nhổ tận gốc" tư tưởng "cải cách ruộng đất" và phân chia lại tài sản từng được ông F.Lugo ấp ủ. Phát biểu sau phiên luận tội của cả hai viện Quốc hội đều nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập, Tổng thống F.Lugo nói rằng ông chấp nhận quyết định của các nhà lập pháp, song không quên cảnh báo nền dân chủ của Paraguay đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Sau khi quyết định truất nhiệm Tổng thống được thông báo, hàng nghìn người dân Paraguay tại Thủ đô Asuncion ủng hộ ông F.Lugo đã đổ xuống đường biểu tình và tìm cách tràn vào bên trong trụ sở Quốc hội. Họ vẫy cờ Tổ quốc và hô vang khẩu hiệu "chúng tôi không công nhận bất kỳ tổng thống nào khác". Họ kêu gọi tiến hành một cuộc đình công và biểu tình quy mô lớn trong tuần này để phản đối cái gọi là cuộc cách mạng "Mùa đông Tây bán cầu". Cảnh sát phải bắn lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông.
Không chỉ bị dân chúng trong nước phản đối, việc Quốc hội Paraguay phế truất Tổng thống F.Lugo cũng đang vấp phải sự chỉ trích của các nước láng giềng và cộng đồng thế giới. Hầu hết báo chí các nước Mỹ Latin những ngày này đều có bài viết trên trang nhất lên án hành động bỏ phiếu bãi miễn Tổng thống F.Lugo của Thượng viện Paraguay, coi đây là "cuộc đảo chính" trá hình; một tiền lệ xấu đối với tiến trình dân chủ ở Mỹ Latin. Hiện có 11 nước đã rút hoặc triệu hồi đại sứ tại Paraguay về nước là Argentina, Brazil, Uruguay, Venezuela, Chile, Colombia, Peru, Ecuador, Cuba, Mexico và Cộng hòa Dominica. Tại hội nghị cấp cao bất thường (ngày 29-6) vừa qua ở Argentina, Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Paraguay vì vụ "cưỡng chế" chính trị không bảo đảm quyền bào chữa của ông F.Lugo. Cộng đồng các nước Mỹ Latin và Caribe (CELAC) cũng đã họp bất thường trong ngày 5-7 tại thủ đô Santiago của Chile để thảo luận về tình hình Paraguay sau vụ phế truất Tổng thống Fernando Lugo.
Trong khi đó, Tổng thống lâm thời mới nhậm chức Federico Franco lại cho rằng việc chuyển giao quyền lực là phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Paraguay. Ông F.Franco là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống F.Lugo nắm quyền; đồng minh của ông F.Lugo trong chiến dịch tranh cử; song, sau đó chuyển thành đối thủ và giờ đây làm Tổng thống lâm thời Paraguay cho đến hết nhiệm kỳ của ông F.Lugo kết thúc vào tháng 8-2013. Tuy nhiên, vị tân tổng thống này cũng thừa nhận tình hình chính trị tại quốc gia Nam Mỹ đang bắt đầu rối ren và tuyên bố có thể sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của người tiền nhiệm để xoa dịu những căng thẳng hiện nay tại Paraguay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.