Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sóng gió mới

Thùy Dương| 08/01/2011 06:47

(HNM) - Hai tháng sau cuộc bầu cử giữa kỳ, Quốc hội khóa 112 của Mỹ vừa nhóm họp trong tuần với phiên lập pháp mới tại Washington, một phiên họp báo trước nhiều sóng gió mới trong hai năm tới của Nhà Trắng.


Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (vào ngày 2-11 năm ngoái), đảng Cộng hòa đã đại thắng tại Hạ viện. Thời gian còn lại trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama vì thế hẳn không còn êm ả; nhất là khi Hạ nghị sĩ John Boehner, một trong những người Cộng hòa chống đối ông B.Obama mạnh mẽ nhất vừa tiếp quản chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ (ngày 5-1) từ tay bà Nancy Pelosi của đảng Dân chủ, trở thành nhân vật quyền lực thứ 3 ở Mỹ sau Tổng thống và Phó Tổng thống.

Đây là lần đầu tiên sau hai năm, đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện trong khi đảng Dân chủ vẫn nắm thế đa số mỏng manh tại Thượng viện. Một trật tự chính trị mới đã hình thành tại xứ Cờ hoa. Từ nay đến đầu năm 2013, Tổng thống B.Obama cùng đảng Dân chủ sẽ phải chia sẻ nhiều hơn quyền lực với  đảng đối lập Cộng hòa. Trong bối cảnh nạn thất nghiệp chưa thật sự được cải thiện, kinh tế trì trệ và mức bội chi ngân sách quá lớn... tình cảnh "sống chung" tại Hạ viện sẽ chi phối lớn đến tương lai cuộc tổng tuyển cử Mỹ vào tháng 11-2012.

Nhu cầu "thay đổi" nước Mỹ kể từ sau cuộc chiến Iraq đã đưa đảng Dân chủ lên vị thế chiếm đa số trong Quốc hội năm 2006 và hai năm sau đó đưa ông B.Obama vào Nhà Trắng. Tổng thống B.Obama cùng các thành viên đảng Dân chủ đã có công trong bình ổn nền kinh tế Mỹ. Trong đó cuộc chế ngự thành công trung tâm tài chính Phố Wall - thủ phạm gây ra cuộc suy thoái - bằng những quy định mới được xem là một bước đi mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, chính cuộc giải cứu tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đã tạo bóng đen lớn về gánh nặng nợ nần của liên bang sẽ chất lên vai con cháu người dân Mỹ hôm nay, khiến những người Dân chủ bị dân chúng hoài nghi vì tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng ở 2 con số (10%); các vụ tịch biên tài sản, vỡ nợ vẫn tiếp diễn...

Rõ ràng, tình hình kinh tế khó khăn đã khiến người dân Mỹ bất bình với chính quyền của đảng Dân chủ. Đây là nguyên nhân chính khiến đảng này thất bại trước đảng Cộng hòa trong cuộc đua giành quyền kiểm soát Hạ viện vừa qua. Để Hạ viện rơi vào tay phe Cộng hòa là một bước thụt lùi lớn của phe Dân chủ; đồng nghĩa với việc chất thêm khó khăn cho chính quyền của Tổng thống B.Obama với nửa nhiệm kỳ còn lại.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, ông chủ Nhà Trắng có lợi thế to lớn là cả Hạ viện và Thượng viện đều do phe Dân chủ kiểm soát. Nhưng, dù có lợi thế này, Tổng thống B.Obama cũng đã gặp không ít khó khăn khi muốn thông qua các chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ. Nay, sự thể đã thay đổi - đảng Cộng hòa giành được chiến thắng lớn nhất trong 70 năm tại Hạ viện - cho thấy nửa cuối của nhiệm kỳ B.Obama sẽ thêm nhiều sóng gió.

Dự báo trên đã đến khi lãnh đạo của đảng Cộng hòa tuyên bố một trong những ưu tiên hàng đầu ngay khi bắt đầu nắm quyền kiểm soát tại Hạ viện là tìm cách hủy bỏ hàng loạt dự luật và chương trình như dự luật cải cách y tế, cắt giảm chi tiêu, cải tổ luật thuế, trấn áp tình trạng nhập cư không có cơ sở. Tân Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho rằng, dự luật cải cách y tế quá tốn kém và khiến nước Mỹ mất nhiều công ăn việc làm. Vì thế Hạ viện dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu vào đầu tuần tới để hủy bỏ dự luật này...

Dù phe Dân chủ hiện vẫn kiểm soát Thượng viện và nhiều khả năng các dự luật cải cách và chương trình của Tổng thống B.Obama khó có thể bị hủy bỏ, nhưng sự kiện Hạ viện vừa được phe Cộng hòa tiếp nhận ở thế thượng phong được cho là sẽ "ngáng chân" và khiến Nhà Trắng lâm vào tình thế hết sức khó khăn.

Do cán cân quyền lực thay đổi trên Đồi Capitol, nên khó đảng nào, dù là Dân chủ hay Cộng hòa mang lại được điều mà người dân Mỹ đang trông đợi từng ngày là sớm thoát khỏi những khó khăn về kinh tế và việc làm. Uy tín của Quốc hội Mỹ vì thế mà suy giảm mạnh và lòng tin của dân chúng vào Chính phủ cũng lao dốc.

Sóng gió mới đang nổi trước Nhà Trắng. Tổng thống B.Obama càng phải vững hơn tay chèo trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ để có thể đáp ứng được mong mỏi của cử tri là đưa kinh tế Mỹ trở lại vị thế vốn có. Đây thực sự là một thách thức lớn với vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sóng gió mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.