(HNMCT) - Cách đây chưa lâu, có một bài viết đăng trên diễn đàn về Hà Nội qua mạng xã hội Facebook được nhiều người chú ý khi kể về nét tinh tế của người Hà Nội. Ví như chuyện một “tay chơi hầm hố" kiểu “anh chị” nhưng giữa trưa nắng trở về nhà thấy mấy người phụ nữ bán hàng rong đang nghỉ nhờ dưới bóng râm từ hàng rào cây trước cổng, anh lặng lẽ quay ra hàng nước ngoài ngõ, đợi họ nghỉ ngơi rồi đi hết mới vào nhà.
Những “tay chơi” trong sách của tác giả Mai Lâm cũng có gì đó tương tự. Khổ cực, vất vả kiếm sống, có khi chắt chiu tiết kiệm từng đồng trong ăn, mặc, ngủ nghỉ, nhưng lại luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người bằng tất cả khả năng, không ngần ngại tương trợ bạn bè. Họ có thể tặng bạn một món quà giá trị vượt khả năng của mình miễn là người ấy thích, và có thể bỏ ra số tiền vất vả kiếm được chỉ để mua cho được một thứ mà mình muốn sưu tầm.
“Người ta bảo nghề chơi cũng lắm công phu. Với Việt thì phải bảo "khổ vì chơi" mới đúng. Việt thà là mua đắt chứ ít khi chịu mất ăn mất ngủ chỉ vì “non tay một tý mà nó mua mất của mình” - nhân vật Việt trong cuốn tản văn “Tay chơi” của Mai Lâm đam mê đủ các "món chơi”, từ tranh, tượng, mặt nạ, radio, đồng hồ, đến rượu, xì gà, những chuyến vui chơi... Lọ mọ khuân về không ngừng nghỉ, cho đến một ngày Việt nhận ra ngôi nhà mình đã biến thành cái kho, bèn nghĩ cách “giải tán bớt”. Nhưng chia tay với bất kỳ món đồ nào cũng không dễ dàng, bởi với Việt, “mỗi thứ đồ chơi lúc gặp nhau đã là một kỷ niệm”. Theo những cuộc chơi của Việt, một hành trình đi từ qua khứ đến hiện tại được tác giả mở ra trước mắt bạn đọc với những câu chuyện như “Lời của đồ chơi”, “Chí lớn”, “Tửu đàm”, “Một ngày của Phú”, “Nỗi niềm sang Tây”, “Trà sư”, “Ăn cơm thịt bò”... và các nhân vật như Châu sầu, anh giai Viễn, Bá Ngọ, Phúc què, Tiến thông minh...
Được đề thể loại là tạp văn, nhưng “Tay chơi” của Mai Lâm vừa mang dáng dấp của truyện ngắn với những “nút thắt” nhiều bất ngờ, vừa là hồi ức về Hà Nội một thời qua câu chuyện kể về những chàng trai phố cổ năm nào. Dù sau này có thể giàu có hay là phận người lang bạt, làm công việc lao động chân tay nặng nề... thì dường như “người từng sinh ra lớn lên ở Hà Nội đều mang nét đặc thù của những ông con trai phố cổ kỹ lưỡng tỷ mẩn đến kinh ngạc”. Theo nhà văn Đỗ Phấn, “Tay chơi” của Mai Lâm “đã gần như chạm được vào cái cốt lõi phẩm cách đàn ông ở đất này. Có thể nói nó đã làm sống dậy cả một Hà Nội của thời quá vãng chưa xa. Hà Nội của một thời thương khó nhưng đầy lạc quan hào hùng”.
Cuốn tản văn “Tay chơi” của Mai Lâm do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.