(HNM) - Đối chiếu những quy định về điều kiện cần và đủ cho hoạt động kinh doanh xăng dầu thì hầu hết trong số 489 cây xăng trên địa bàn thành phố Hà Nội đều không đạt chuẩn.
Người ta phải chấp nhận thực tế này như một phần tất yếu của sự phát triển đô thị, một phần do lịch sử để lại và quan trọng hơn nữa là từ trước đến nay, cơ quan chức năng chưa nhận được phản ánh nào của người dân về hoạt động kinh doanh xăng dầu gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh…
Sống chung với "bà hỏa"
Sau vụ cháy cây xăng ở số 2B Trần Hưng Đạo, xảy ra vào đầu giờ chiều ngày 3-6-2013, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhiều người dân mới tá hỏa và ngỡ ngàng nhận ra nơi mình sinh sống cũng đang tồn tại một cây xăng không đạt chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Anh Trần Mạnh Tuấn, nhà ở KTT Nguyễn Công Trứ cho hay: Chính quyền quận Hai Bà Trưng rất tích cực trong việc vận động bà con di dời để thực hiện dự án cải tạo KTT thế nhưng lại không có ý kiến gì về một cây xăng không bảo đảm an toàn ngay đầu khu tập thể. Đã nhiều lần, dân kiến nghị lên phường, lên quận về việc di chuyển cây xăng ra xa khu dân cư nhưng tất cả chỉ như "đá ném ao bèo". Ai cũng biết, tập thể Nguyễn Công Trứ là một phần của chợ Hòa Bình (chợ Trời), vừa là nơi sinh sống của hàng nghìn hộ dân. Hoạt động buôn bán tại khu vực này rất sầm uất, nguồn hàng dự trữ lớn nên việc một cây xăng tồn tại ngay kế bên chẳng khác gì "bom nổ chậm"...
Cửa hàng xăng dầu số 14 phố Thụy Khuê nằm giữa khu dân cư. |
Cây xăng mà bà con khu tập thể Nguyễn Công Trứ bức xúc nói đến chỉ cách ngã tư phố Huế - Nguyễn Công Trứ khoảng 20m, nằm giữa ngã ba, gối đầu vào góc một khu tập thể 5 tầng. Chị Nguyễn Thúy Hạnh, một hộ kinh doanh trong chợ than phiền: "Chúng tôi lo lắm. Nói dại mồm nếu xảy ra cháy nổ như ở cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo thì bà con ở đây không có lối thoát thân. Cây xăng này nằm ở vị trí đường vừa đông vừa hẹp, ba phía bao quanh bởi khu dân cư, trước mặt là bãi đỗ xe cao tầng. Nếu cháy nổ, hậu quả sẽ hết sức thảm khốc".
Theo tiêu chuẩn thiết kế đối với các trạm kinh doanh xăng dầu, khoảng cách từ trạm xăng tới khu vực tập trung đông người là 100m, tới các công trình công cộng là 50m, nếu tiếp giáp với các công trình xây dựng khác thì buộc phải có tường bao chống cháy cao trên 2,2m. Quy định như thế, nhưng trên thực tế hầu hết các trạm xăng tại Hà Nội không đáp ứng các tiêu chí này. Đơn cử, cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 14 nằm ngay mặt tiền phố Thụy Khuê, lọt thỏm giữa một dãy nhà dân. Cách đó không xa, cũng chềnh ềnh một cửa hàng xăng dầu ngay giữa ngã ba dốc Tam Đa. Điều đáng nói, ngay kế bên cây xăng, người dân vô tư họp chợ mà không mảy may nghĩ đến nguy cơ tiềm ẩn.
Tương tự, phố Đội Cấn cũng tồn tại một cửa hàng xăng dầu ngay sát chợ nằm ở góc ngã tư Văn Cao - Đội Cấn. Cửa hàng này quá chật trội nên năm ngoái đã xảy ra vụ tai nạn chết người khi một ô tô lùi vào đổ xăng. Hà Nội hiện có rất nhiều cây xăng vốn tận dụng lại từ cửa hàng kinh doanh chất đốt có từ thời bao cấp như cây xăng đầu phố Khâm Thiên giáp với Ô Chợ Dừa, cây xăng trên phố Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng)… Đầu dốc Hàng Bún cũng có một cây xăng tại ngã ba, chỉ cách khu dân cư bên kia đường vài bước chân. Khi được hỏi về tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, anh Trần Hữu Đạt ở Hàng Bún cho biết: "Ngày ngày chúng tôi phải đánh vật với "cơm áo gạo tiền", thời gian đâu mà quan tâm. Biết sống gần cây xăng là nguy hiểm nhưng khoảng cách an toàn thế nào, quy hoạch cây xăng ra sao thì chả ai nắm được".
Chính từ việc người dân thờ ơ khi sống cạnh các cây xăng không đạt chuẩn nên việc phản ánh thông tin đến các cơ quan chức năng rất hạn chế. Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khẳng định, Sở chưa tiếp nhận bất cứ một đơn thư nào của bà con phản ánh về tình trạng mất an toàn tại cây xăng gần nơi sinh sống. Bà Hoàng Thị Bích Diệp, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cũng cho rằng, UBND phường chưa bao giờ nhận được đơn thư phản ánh về việc trạm kinh doanh xăng dầu trên phố Minh Khai đe dọa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Khẩn trương di dời
Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, đơn vị đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng nghiên cứu quy hoạch tổng thể mạng lưới cửa hàng xăng dầu của Hà Nội tầm nhìn 2020-2030. Theo đó, các cửa hàng xăng dầu phải nằm xa khu dân cư, có đủ điều kiện an toàn cháy nổ. Theo Kế hoạch số 55/KH-UBND của UBND thành phố, Hà Nội hiện có 52 cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải cải tạo, nâng cấp, 65 cửa hàng phải di dời. Sở Cảnh sát PCCC đang phối hợp với Sở Công thương giới thiệu địa điểm đã được quy hoạch cho những doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Hằng năm, Sở PCCC vẫn kiểm tra định kỳ tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật và chức năng quản lý nhà nước của đơn vị. Người đứng đầu đơn vị kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên, đột xuất bảo đảm an toàn.
Nói về vụ cháy cây xăng ngày 3-6, Thượng tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm cho biết, theo quy định việc tiếp xăng chỉ được thực hiện từ 21h đến 6h ngày hôm sau. Việc cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo nhập xăng vào buổi trưa, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, xảy ra hỏa hoạn là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Thượng tá Vụ cho biết thêm, trên địa bàn quận hiện đang tồn tại 11 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, đa phần đều vi phạm về khoảng cách an toàn. Để giải quyết thực trạng này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong việc thiết lập mạng lưới cung ứng xăng dầu bảo đảm đúng quy hoạch. Trước mắt, Phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm sẽ tham mưu tới Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tiến hành tổng kiểm tra quy định an toàn PCCC tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quận; kiên quyết xử lý vi phạm trong quy trình nhập hàng, bán hàng, đặc biệt là hệ thống kỹ thuật như bể chứa xăng, xe nhập hàng, hệ thống chống điện, chống sét…
Có thể nói, vụ cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa tiềm ẩn của các cây xăng ở khu vực nội đô. Trong quá trình tìm hiểu viết bài, chúng tôi nhận thấy bên cạnh sự chậm trễ trong việc di dời cây xăng vi phạm khoảng cách an toàn, công tác cứu hỏa bộc lộ nhiều bất cập thì thói quen và cách làm cẩu thả của các đơn vị kinh doanh xăng dầu cũng là một yếu tố gây nguy cơ cháy nổ nghiêm trọng. Chính vì thế ngay từ bây giờ, các ban, ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch 55/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội nhằm di dời các cửa hàng xăng dầu không bảo đảm điều kiện an toàn cháy nổ ra khỏi khu vực nội đô.
Tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 4-6, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, sau vụ cháy cây xăng tại 2B Trần Hưng Đạo, Sở Cảnh sát PCCC sẽ phối hợp với Sở Công thương tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ 489 điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố. Cửa hàng nào không bảo đảm quy chuẩn an toàn sẽ đề nghị rút giấy phép kinh doanh.
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.