Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm xử lý nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang

Nhóm phóng viên| 01/06/2021 06:03

(HNM) - Việc hàng loạt dự án nhà liền kề, biệt thự chưa được đưa vào sử dụng, bỏ hoang từ nhiều năm nay ở Hà Nội vẫn chưa được giải quyết đang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan đô thị. Vì thế cần sớm có chính sách quản lý, điều tiết thị trường bất động sản phù hợp để xử lý tình trạng trên.

Tiền tỷ bỏ hoang

Khảo sát tại địa bàn huyện Hoài Đức, nơi có nhiều dự án nhà liền kề, biệt thự, như: Khu đô thị mới Bắc quốc lộ 32; Khu biệt thự nhà vườn Orange Garden; Khu biệt thự kinh doanh An Khánh..., phóng viên ghi nhận còn rất nhiều nhà liền kề, biệt thự trong tình trạng đã xong phần xây thô, rêu bám tường, cỏ dại mọc trong nhà...

Anh Nguyễn Xuân Quyết (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) cho biết, mặc dù sở hữu căn biệt thự từ khi dự án mở bán đợt đầu tiên cách đây hơn chục năm, nhưng gia đình anh vẫn chưa dọn về ở vì các tiện ích như trường học, bệnh viện, siêu thị đều chưa hình thành nên đành chấp nhận để cỏ mọc quanh nhà.

Còn bà Phạm Thị Oanh (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) cho hay: “Hơn 50ha đất nông nghiệp của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác bị thu hồi từ năm 2007-2008, nhưng hơn 10 năm qua nhà liền kề, biệt thự ở dự án này hầu như không có người ở, rất lãng phí”.

Tương tự, tại dự án Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) có 326 căn biệt thự, được xây dựng từ năm 2011. Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai, dự án Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới đến nay mới có hơn 60 căn nhà được đưa vào sử dụng, còn hơn 260 căn xây dựng dở dang trong đó, hơn 40 căn đến tháng 4-2021 mới bắt đầu được khởi công.

Phó Trưởng ban Quản lý dự án Ngôi nhà mới Nguyễn Trọng Đài thừa nhận về việc tiến độ thực hiện dự án chậm nhiều năm và đưa thêm nguyên nhân nữa là nhiều chủ hộ mua nhà không cung cấp hợp đồng mua bán để đơn vị hoàn thành công trình theo tiến độ ký kết, dẫn tới số biệt thự, liền kề đã bán cũng bị bỏ hoang.

Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến, tình trạng nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang là hệ quả của giai đoạn thị trường bất động sản phát triển “nóng” (năm 2006-2010). Việc doanh nghiệp đua nhau làm dự án, tranh thủ đầu cơ, khiến hàng loạt khu đô thị mới xuất hiện, trong đó đa phần sản phẩm là biệt thự, nhà liền kề, không đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Mặt khác, nhiều chủ hộ không đủ năng lực tài chính để hoàn thiện công trình hoặc hạ tầng của khu đô thị chưa hoàn thiện nên chủ hộ chưa đến ở.

Sau nhiều năm chậm triển khai, đến tháng 4-2021, nhiều căn biệt thự tại Khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới (huyện Quốc Oai) mới được khởi công trở lại. Ảnh: Ngân Thùy

Cần chính sách quản lý, điều tiết thị trường

Để xử lý tình trạng nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang, ông Nguyễn Huy Khanh, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho rằng, chính các chủ đầu tư cũng cần có giải pháp thu hút người dân đến ở bằng việc mạnh tay đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển nhiều tiện ích phục vụ cư dân; phát triển mạng lưới xe đưa đón cư dân miễn phí kết nối dự án với khu vực nội đô... Về lâu dài, để tránh lặp lại tình trạng trên, Nhà nước cần có chính sách kiểm soát sở hữu nhà ở đối với giới đầu cơ. Ngoài ra, khi phê duyệt dự án, cấp có thẩm quyền cần quan tâm đến việc phân bổ các phân khúc: Biệt thự, nhà ở liền kề, nhà chung cư… phù hợp nhu cầu thực tế.

Còn ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, từ năm 2019 thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án... Đến nay, nhiều dự án vẫn đang trong giai đoạn kiểm tra và cần thêm thời gian để bảo đảm có kết quả chính xác. Với dự án chậm tiến độ do phải điều chỉnh quy hoạch, Sở Quy hoạch kiến trúc phối hợp, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện theo quy định... 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây nhà ở tại các khu đô thị trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, địa phương đã có nhiều văn bản đôn đốc chủ đầu tư thi công dự án. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư, nếu cần thiết sẽ báo cáo thành phố để cùng đôn đốc. Ngoài ra, UBND huyện sẽ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xử lý nghiêm các chủ đầu tư vi phạm, hoặc đề xuất chấm dứt việc thực hiện, thu hồi dự án hoặc một phần dự án, nếu chủ đầu tư chậm thực hiện...

Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây (ngày 18-5-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý Bộ Xây dựng cần phải điều tiết bằng quản lý nhà nước, cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng… Thực hiện tốt chỉ đạo này, chắc chắn nguồn lực đầu tư sẽ đi đúng trọng tâm mà xã hội cần và sẽ chấm dứt việc lãng phí nguồn lực như đã nêu trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sớm xử lý nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.